Thứ năm, 28/3/2024
Thứ hai, 2/5/2016, 16:03 (GMT+7)

Đám cưới lộng lẫy của công chúa Nguyễn khi xưa

Đám cưới công chúa của triều đình nhà Nguyễn được tái hiện, thu hút sự chú ý của hàng nghìn du khách trong Đêm Hoàng cung tại Festival Huế tối 1/5.

Được tổ chức từ 2006, "Đêm Hoàng cung" được xem là tổ hợp không gian lịch sử gắn liền với các sự kiện, tiết mục diễn xướng cung đình; tổ chức các trò chơi dân gian; ẩm thực cung đình Huế...

Một trong những nghi thức được du khách quan tâm và tỏ ra thích thú khi viếng thăm cung cấm là lễ cưới của Công chúa triều Nguyễn. Là con vua nên khi công chúa lấy chồng thì không thể “tìm” được người “môn đăng hộ đối”. Chính bởi vậy, công chúa lấy chồng được gọi là “hạ giá” – nghĩa là công chúa hạ mình xuống để lấy chồng. Mặc dù là “hạ giá” nhưng việc chọn phò mã không hề đơn giản. 

Nhà vua sai  Bộ Lại, Bộ Binh lập danh sách 5 người là con cháu và chắt các công thần từ nhị phẩm trở lên để lựa chọn phò mã. Những chàng trai này phải là người thông minh, có ngoại hình ưa nhìn, không bị tàn tật. Khi “phò mã” đã được chọn, hôn lễ sẽ được cử hành tại cung Trường Sanh (Đại nội Huế).

Công chúa và phò mã trong trang phục truyền thống cử hành đại lễ dưới sự chứng kiến của một vị quan được nhà vua chọn là chủ hôn. So với đám cưới hoàng tử thì đám cưới công chúa có nhiều phiền toái, nhiêu khê hơn vì người có con được vua chọn làm phò mã là một sự vinh hiển. Ngoài ra, cha mẹ của phò mã sẽ nhận được nhiều ân sủng của vua và hoàng hậu ban cho. 

Lễ cưới công chúa gồm có sáu lễ, cứ mỗi ngày cử hành hai lễ, cách quãng nhau. Ngày thứ nhất gồm có lễ Nạp thái và lễ Vấn danh. Trong ngày này, gia đình phò mã sẽ đưa lễ vật vào cung gồm 1 con trâu, 1 con lợn, 2 mâm trầu cau, 2 vò rượu ngon, 2 cây nấm, 10 tấm lụa, 4 thỏi vàng, 1 đôi bông vàng, 1 mâm vàng, 1 chuỗi ngọc và 16 thỏi bạc. Sau đó có thêm 2 con trâu, 2 con lợn và 2 vò rượu. Ngày thứ hai gồm lễ Nạp trưng, lễ Nạp cát. Các lễ vật ở ngày thứ hai tương tự như lễ vật ở ngày thứ nhất. Ngày thứ ba là ngày quan trọng nhất, gồm lễ Điện nhạn và lễ Thân nghinh. Lễ vật trong lễ Điện nhạn gồm 2 hộp chỉ ngũ sắc, 100 đồng tiền, 2 con ngỗng nhốt trong hai cái lồng đều có dây đỏ buộc liền nhau chỉ sự thủy chung. Còn 100 đồng và hộp chỉ ngũ sắc tượng trưng cho sự giàu sang thịnh vượng, con đàn cháu đống.

Sau phần lễ là nghi thức thân nghinh, hai ông bà chiếu liệu đến phủ đệ phò mã, hai viên quan văn, hai viên quan võ cùng phu nhân chỉnh tề lọng võng đợi dẫn dâu về. Bộ Binh phái 300 lính nhung phục cầm cờ quạt, nghi trượng đứng trực ở cửa cung. Phò mã mặc lễ phục vào lạy vua xin được đón công chúa. Công chúa đội mũ phượng, mặc áo bào thêu hoa tròn và chim phượng, đi hài màu đỏ thêu phượng theo nữ quan dẫn đến hầu vua cha và mẫu hậu để nghe những lời giáo huấn.

Kiệu hoa dừng trước cửa tả đoạn chung quanh che rèm. Công chúa bước ra đã có phò mã chờ sẵn bên kiệu, tự tay vén màn mời công chúa bước lên. Ra khỏi hoàng thành, phò mã mới được phép lên kiệu. Phò mã cưỡi ngựa che hai lọng, lính hầu bê tráp đi trước dẫn đường, rồi đến 300 binh sĩ cầm cờ quạt, nghi trượng và phường nhạc theo sau. Tuy nhiên, trong lễ phục dựng nghi thức đám cưới công chúa, để phục vụ khách tham quan thì công chúa ngồi chõng và được hai phu kiệu khiêng từ cung Trường sanh qua nhiều địa điểm khác nhau trong hoàng cung. 

Vị quan chủ lễ sẽ dẫn đầu đoàn rước dâu. Trong khi đó, bên kiệu công chúa có 6 nữ quan và các thị nữ mặc áo mã tiên, 2 người cầm lồng đèn thắp nến, 2 người cầm cành thiên tuế, 2 người ôm lồng ngỗng, 4 người bưng tráp trầu và hộp hương. 

Khi đám rước kết thúc, công chúa được mời vào phòng khách, ngồi theo thứ tự. Nhà trai bắt đầu bày tiệc khoản đãi. Phò mã cùng công chúa vào lễ ở bàn thờ lễ Tơ hồng. Phò mã dự lễ hợp cẩn. Hai người ăn chung mâm cỗ tơ hồng và uống rượu trong hai cái chén được làm bằng hai nửa của cùng một quả bầu.

Hôm sau, đến lượt công chúa ra mắt cha mẹ chồng. Công chúa đứng lạy phía Tây lạy bốn lạy. Cha mẹ chồng đứng ở phía Đông, đáp lại hai vái. Ngày tiếp theo, vợ chồng công chúa vào chầu vua. Phò mã được vua ban cho một bộ triều phục tam phẩm, hai áo gấm, hai bộ yên ngựa. 

Bên cạnh đám cưới công chúa thu hút được sự chú ý của du khách thì tại cung Diên Thọ, chương trình “Ký ức cung nữ” kể về chuyện hậu cung xưa. Hằng đêm, các cung tần, mỹ nữ được chọn để hầu hạ vua vẫn đàn hát, đọc sách, viết chữ… đợi chờ nhà vua.

Qua hình ảnh của những cung nữ chốn hậu cung, du khách có thể hình dung được sự cô đơn, lạc lõng nơi thâm cung.

Lượng khách đến Huế trong Festival 2016 ước tính tăng 20% so với kỳ Festival 2014. Năm nay, lễ hội được tổ chức đúng vào dịp nghỉ lễ.

Đắc Đức

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net