Thứ năm, 28/3/2024
Thứ tư, 4/1/2017, 05:05 (GMT+7)

Đèo Hải Vân nhìn từ toa tàu lửa

Đèo nối Huế và Đà Nẵng đã có hầm qua núi nhưng nhiều người vẫn chọn cách đi tàu để có thể thưởng ngoạn phong cảnh kỳ thú của Hải Vân – nơi được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

Đèo Hải Vân có chiều dài 21 km, với đỉnh cao nhất là 496 m so với mực nước biển. Giao thông qua đèo Hải Vân khó khăn đối với đường bộ và đường sắt do địa hình hiểm trở.

Cung đường sắt Hải Vân nằm phía đông trục đường bộ (Quốc lộ 1), sát biển. Có thể thấy nhiều đoạn, một bên là vách núi, bên kia là vực sâu.

Cung Hải Vân đi trên triền núi, qua 18 cầu và 6 hầm chui, trong đó hầm ngắn nhất là 85 m, hầm dài nhất là 600 m.

Lán trại của công nhân bảo dưỡng sửa chữa đường sắt tại khu vực giữa đèo. Ở Hải Vân rừng núi hoang vu, địa hình hiểm trở. Để đảm bảo cho công việc tiến hành được nhanh nhất, người công nhân phải bám lấy những cung đường.

Khung cảnh choáng ngợp của rừng, núi, biển dễ hút hồn du khách đi tàu.

Tàu qua các ga: Kim Liên, Hải Vân Nam (thuộc Đà Nẵng), Hải Vân (nằm giữa đèo), Hải Vân Bắc, Lăng Cô (thuộc Thừa Thiên - Huế). Trong đó các ga Kim Liên và Lăng Cô nằm hai bên chân đèo; còn các ga Hải Vân Nam, Hải Vân, Hải Vân Bắc thuộc đèo.

Những nhà ga này không đón trả khách. Đây chỉ là trạm kỹ thuật và nơi tránh tàu. Từ trên tàu có thể thấy những vách núi dựng đứng ở phía Tây và biển Đông ngay sát dưới chân; từ cửa sổ toa tàu có thể nhìn thấy cả đoàn tàu đang uốn lượn men theo triền núi. Ảnh: Biển Lăng Cô thuộc địa phận Thừa Thiên - Huế.

Một đoàn tàu hàng đang chờ tránh tàu Thống Nhất ở ga Hải Vân Bắc.

Ga Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), nơi kết thúc Cung Hải Vân theo chiều nam - bắc.

Đoạn đường Lăng Cô, đã qua con đèo, độ cao tuyến đường sắt gần với mực nước biển.

Hà Thành

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net