Thứ bảy, 20/4/2024
Chủ nhật, 5/3/2017, 14:30 (GMT+7)

Bệnh viện 3 tầng bí mật trong lòng núi ở Cát Bà

Hang Quân y là bệnh viện dã chiến được đúc bằng bê tông cốt thép, rộng hàng nghìn m2, chữa trị cho bộ đội và du kích quân huyện đảo Bạch Long Vỹ và Cát Bà (Hải Phòng) bị thương trong cuộc kháng chiến.

Hang Quân y là tên gọi của bệnh viện dã chiến nằm trong lòng núi, cách trung tâm thị trấn Cát Bà 13 km, ngay bên đường đi Vườn quốc gia, thuộc khu Khe Sâu, thôn Hải Sơn, xã Trân Châu, huyện Cát Hải (Hải Phòng). Bệnh viện được xây dựng trong thời gian kháng chiến chống Mỹ phong tỏa miền Bắc bằng tàu chiến và máy bay những năm 1963-1965, với nhiệm vụ chính là cứu chữa các chiến sĩ thuộc lực lượng hải quân, phòng không không quân và du kích quân trên huyện đảo Bạch Long Vỹ và Cát Bà bị thương.

Bệnh viện là công trình xây dựng đặc biệt bằng bê tông, cốt thép, có diện tích hơn 2.000 m2, nằm trọn trong lòng núi đá vôi, với 3 tầng, 17 phòng chức năng, đủ sức chứa hơn 100 người cùng lúc.

Nằm trên độ cao khoảng 100 m so với mặt nước biển với cửa hướng ra phía thung lũng Khe Sâu, du khách muốn vào phải đi con đường nhỏ theo bảng chỉ dẫn, rồi leo bằng thang sắt mới tới cửa hang.

Bệnh viện dã chiến trong lòng núi đá giữa vịnh Bắc Bộ
 
 

 

Ngay ở ngách trái của cửa hang là một cửa độc đạo cao khoảng 1,5 m, rộng 0,8 m dẫn vào bên trong bệnh viện. Trước đây, nó được lắp cánh bằng sắt kiên cố với mục đích chống đạn, bom và kẻ địch xâm nhập. Tuy nhiên, gần đây bệnh viện được địa phương đưa vào làm điểm tham quan du lịch, chiếc cánh sắt vì thế đã được tháo bỏ.

Dọc hành lang và bên trong các phòng đều được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng nhằm đảm bảo công tác cứu chữa bệnh.

Bước qua cửa vào là phòng gác với ma-nơ-canh bộ đội bồng súng.

Tầng 1 được xây dựng bằng bê tông, cốt thép, gồm nhiều phòng chức năng phục vụ việc khám chữa bệnh.

Tầng 2, tầng 3 được dựa vào điều kiện tự nhiên của hang động để chia ra làm nhiều khu: Chiếu phim kiêm kiểm tra thể lực; phòng gác và phòng sĩ quan.

Gian phụ chuyên dùng để rửa tay và dụng cụ y tế.

Hành lang lắt léo dẫn tới các phòng, lên khu vực tầng 2, 3 và cũng là lối thoát hiểm duy nhất.

Để bảo đảm an toàn, cửa này được làm kiên cố bằng 2 lớp cửa sắt dày.

Cửa thoát hiểm ẩn cũng có cùng kích cỡ với cửa vào phía trước và ẩn mình sau nhũ đá lớn rêu phong.

Giang Chinh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net