Thứ năm, 25/4/2024
Chủ nhật, 11/3/2018, 07:37 (GMT+7)

Chàng trai Việt lần đầu dự đám cưới truyền thống tại Indonesia

Lễ cưới của người Indonesia bao gồm nhiều lễ nghi lớn nhỏ khác nhau, được ghi lại qua góc máy của Dy Khoa - chàng trai Sài Gòn.

Indonesia là quốc gia vạn đảo, nhiều chủng tộc cùng sinh sống. Mỗi đảo, mỗi chủng tộc lại có những phong tục tập quán khác nhau, nghi lễ cưới cũng không ngoại lệ. Tổng thời gian chuẩn bị cho lễ cưới có thể lên đến nhiều tháng.

Mới đây, tôi có dịp tham gia lễ, tiệc cưới của một gia đình người Indonesia trên đảo Java - đảo chính và lớn nhất đất nước này. Tôi gọi họ là ba má vì đã nhiều lần qua thăm và có duyên nhờ những chuyến đi. 

Đám cưới của Hendy và Christine được thực hành theo nghi thức đặc trưng dựa vào tôn giáo, dân tộc và vùng sinh sống. Hendy là người Java sống tại Yogyakarta, Christine là người gốc Hoa, bố mẹ cô sống tại đảo Batam (gần Singapore).

Đêm trước ngày diễn ra lễ cưới và tiệc cưới, tại nhà chú rể sẽ tổ chức lễ họp mặt cầu nguyện - tương tự "nhóm họ" tại Việt Nam. Người thân, họ hàng và bạn bè của chú rể quây quần bên nhau, với một số món ăn thức uống được nhà hàng địa phương chuẩn bị trong ngay sân nhà.

Theo quan niệm của người Indonesia, ngày cưới là ngày vui và cần được loan báo, chia sẻ với mọi người. 

Chính vì vậy, gia chủ trân trọng chuẩn bị những phần quà nhỏ để gửi đến hàng xóm và người thân. Hộp quà gồm bánh truyền thống địa phương. Ngoài ra, gia đình chú rể cũng chuẩn bị quà cho người đến dự tiệc cưới.

Sau khi kết thúc vào lúc nửa đêm, mọi người tranh thủ nghỉ ngơi để sáng ngày chính lễ dậy thật sớm. Gia đình hai bên sẽ cùng đến nhà thờ. Những hàng ghế, bàn lễ đã được trang hoàng trước đó. 

Cô dâu, chú rể đều mang chuỗi hoa, vòng hoa cưới truyền thống. Cô dâu cầm trên tay thêm bó hoa.

Cả hai bước vào và chờ cha đạo làm lễ. Cô dâu - chú rể quỳ gối tạ ơn công lao cha mẹ hai bên và nghe lời dặn dò. Đây là giây phút mà có thể mọi người trong lễ đường đều òa khóc.

Nghi lễ được kết thúc bằng màn trao nhẫn cho nhau và ký vào một hôn ước nhà thờ có chữ ký chứng của cha đạo.

Đến chiều cùng ngày, tiệc cưới được tổ chức tại một nhà hàng gần nhà trai. Cô dâu từ từ bước vào sân khấu chính nơi chú rể đang đứng chờ trong tiếng nhạc và tiếng vỗ tay rộn vang. Tùy mỗi gia đình mà hình thức tiệc có khác. Ở đây, mọi người dùng tiệc buffet. Trong đó có các món truyền thống như sate hay satay (thịt xiên nướng ăn kèm sốt), ayam goreng (gà chiên)... 

Tiệc tàn là thời điểm dành cho những người thân yêu nhất. Họ ở lại đến cuối, cùng nhau nhảy những điệu truyền thống, cười thả ga. Sau khi cưới, cô dâu về ở nhà chồng.

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net