Thứ sáu, 29/3/2024
Chủ nhật, 26/2/2017, 10:39 (GMT+7)

Số phận phụ nữ trong khu nhà thổ lớn nhất châu Á

Những phụ nữ làm việc tại Sonagachi (Ấn Độ), phố đèn đỏ lớn nhất châu Á có thể là nạn nhân của các vụ buôn người, bắt cóc và phải sống cuộc đời bị xã hội xa lánh.

Sonagachi, nằm tại phía tây thành phố Kolkata là tập hợp của hàng trăm nhà thổ với 14.000 gái mại dâm đến từ khắp Ấn Độ. Ước tính mỗi năm có khoảng 1.000 phụ nữ tới đây làm việc, mang theo những câu chuyện và nỗi buồn của riêng mình.

Có những người phụ nữ đã sống cả đời tại Sonagachi. Trong hình là Maya Banarjee, 72 tuổi, đang hong khô tóc bên ngoài phòng. Phần nhiều trong số họ bước vào nghề này khi không còn sự lựa chọn nào khác.

Một số là nạn nhân của nạn buôn người và bắt cóc. Họ bị đưa đến nhà chứa, ép ngủ ban ngày và sau đó làm việc không mệt mỏi suốt đêm.

Cũng có những người lựa chọn đi theo con đường mại dâm bởi số tiền kiếm được có thể giúp họ nuôi sống cả gia đình. Baishaki, một trong những cô gái làm việc tại Sonagachi cho biết: “Trước đây tôi làm giúp việc với mức lương 15 bảng (420.000 đồng) mỗi tháng. Giờ tôi kiếm được 170-180 bảng (khoảng 5 triệu đồng). Nhiều người tại đây thậm chí còn theo nghiệp như truyền thống gia đình”.

Kolkata được mệnh danh là “Thành phố của niềm vui”, một trong những điểm đến đẹp nhất Ấn Độ. Tuy nhiên, vẻ xập xệ bên ngoài Sonagachi lại giống sự tương phản, tiết lộ sự nghèo đói đến cùng cực.

Jyoti, 30 tuổi, đang cho 3 đứa con ăn trưa. Cả gia đình sống tại nhà thổ và đây không phải tất cả số trẻ sống tại Sonagachi.

Mỗi phụ nữ làm việc tại đây đều có câu chuyện buồn của riêng mình. Có những người cảm thấy tốt hơn khi chuyển đến sống tại Sonagachi. Bina, 30 tuổi, tâm sự: “Tôi kết hôn với một kẻ nghiện rượu trong hơn 7 năm, bị đánh đập, hành hạ mỗi ngày. Tôi nhẫn nhịn chỉ vì con gái nhỏ. Cuộc đời tôi đã thay đổi khi tới Sonagachi. Tôi yêu một trong những khách hàng của mình và giờ tôi hài lòng với những gì đang có”.

“Đây là công việc duy nhất cho tôi đủ thu nhập để nuôi hai đứa con ăn học”, một phụ nữ giấu tên nói. “Xã hội luôn lên án những người như chúng tôi. Ai có thể cho tôi một công việc tốt hơn đây?”

Mặc dù kiếm được tiền nhưng những người phụ nữ sống tại Sonagachi luôn bị xã hội xa lánh. Họ không được pháp luật bảo vệ, thường xuyên bị hiếp dâm, cướp tài sản và tống tiền. Bởi thế, nhiều người chọn cách ở lại đây tới cuối đời, cho tới khi không thể tiếp tục hành nghề được nữa.

Hải Thu

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net