Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ ba, 17/10/2017, 02:08 (GMT+7)

Những dải màu nhảy múa trên bầu trời Na Uy

Khi đến vùng cực bắc Na Uy, nếu quang mây, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức những dải ánh sáng kỳ ảo nhảy múa trên bầu trời đêm.

Cực quang (Aurora) là hiện tượng quang học sinh ra do tương tác giữa hạt tích điện từ gió mặt trời với từ trường trái đất, thể hiện qua dải sáng nhiều màu chuyển động và thay đổi như dải lụa trên nền trời. Aurora thấy rõ nhất ở vĩ độ cao gần các cực từ, tại Bắc bán cầu là bắc cực quang và Nam bán cầu là nam cực quang. Nhờ dòng hải lưu ấm và vị trí địa lý tương đối dễ tiếp cận, Bắc Scandinavia (Na Uy, Phần Lan, Thuỵ Điển) và Iceland là điểm đến phổ biến cho những ai muốn chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên độc đáo này.
Trong ảnh là cực quang tại làng Burfjord thuộc hạt Troms, Na Uy cuối tháng 9. Để thấy cực quang trong nhiều giờ thì ngoài thời gian Aurora hoạt động mạnh (sau thu phân ngày22/9 tới trước xuân phân ngày 21/3, tháng 10, 11 và tháng 2 là cao điểm), vị trí bạn đứng cần điều kiện như trời quang mây và ít ánh sáng đèn.

Cực quang có nhiều hình dạng, kích thước, tựu trung với ba nhóm chính: những vòng cung đứt đoạn, những mảng sáng rộng khuếch tán rực rỡ và những đốm sáng nhảy múa.

Một ví dụ về aurora vòng cung đứt đoạn. Chúng thường có đường biên giới hạn nhất định và có thể kéo lên cao như màn cửa khi nhìn từ một góc. Từ bên dưới chúng rất hẹp và thường có màu xanh lá.

Để chụp ảnh cực quang, bạn cần một máy ảnh có thể phơi sáng với màn trập mở 2-15s, ống kính f-stop thấp như f2, f3, f4, tripod, thẻ nhớ dung lượng lớn. Pin máy ảnh thường hao rất nhanh trong thời tiết lạnh, vì thế bạn nên chuẩn bị pin dự phòng.

Aurora dạng mảng sáng rộng, khuếch tán rực rỡ dưới bầu trời đầy sao của làng Burfjord, hạt Troms. Khu vực này của Na Uy nằm bên trên vòng cực và trong vùng Aurora, là điểm đến yêu thích của người dân các nước châu Âu để ngắm những dải cực quang lấp lánh. Ngoài ra, khung cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng một bên là núi, một bên là biển cùng những món hải sản địa phương hấp dẫn cũng khiến cung đường này hút khách.

Nhiều người tin rằng cơ hội được nhìn tận mắt Aurora một lần trong đời là điều may mắn.  Vào mùa "săn cực quang", nhiều nhóm du lịch từ nhiều nước châu Âu sử dụng các phần mềm theo dõi như Aurorasaurus và rong ruổi trên những chiếc xe cắm trại qua cung đường phía bắc bán đảo Scandinavia, nơi cực quang có tiềm năng xuất hiện.

Một lần xuất hiện, cực quang hiển thị màu sắc đa dạng từ lục, lam, vàng ánh lục, tím, hồng và đỏ tuỳ thuộc cao độ và loại khí nào bị các hạt từ không gian bắn phá.

Khí Oxy tạo ra màu xanh lá cây (ở cao độ 120-180 km) và đỏ (trên 200 km). Màu xanh dương xuất hiện ở cao độ 120-180 km khi khí nitơ bị bắn phá. Dưới 100 km, khí nitơ cho ra ánh sáng đỏ và xanh, mép dưới của cực quang có màu đỏ-tím đến hồng, đặc biệt là trong cực quang mạnh.

Các dải ánh sáng Aurora có lúc gần như đứng im, lúc "nhảy múa" và đổi hướng. Chúng có thể mỏng 100 m khi mở rộng ra đường chân trời.

Những đốm sáng Aurora nhảy múa (xuất hiện rồi biến mất trong vài giây, sau đó trở lại với một hình dạng bất thường). Chúng khá mờ và thường xuất hiện cuối buổi tối khi các đường cung chính đã yếu dần.

Aurora dạng khuếch tán rực rỡ. Chúng có thể là màu xanh lá cây, trắng hoặc đỏ máu và lan toả khắp một vùng rộng. Chúng thường ít chuyển động, hơi mờ và thậm chí có thể bị lẫn lộn với đám mây.

Ngoài khu vực Troms của Na Uy, khi đặt chân tới bán đảo Scandinavia, bạn có thể tới thành phố Abisko (Thụy Điển) gần công viên quốc gia Abisko để tận hưởng khung cảnh cực quang. Vùng Lapland của Phần Lan với thị trấn Muonio, thị trấn Inari hay vùng núi Luosto cũng là địa điểm lý tưởng. Vào những đêm trời quang, bạn có thể quan sát vũ điệu ánh sáng trên bầu trời thị trấn Nellim nằm cạnh hồ Inari - hồ nước lớn thứ ba ở Phần Lan. Các thị trấn này cũng có những bảo tàng địa phương, nơi bạn có thể xem những đoạn phim tư liệu thú vị về lịch sử và truyền thuyết xoay quanh Aurora miễn phí.

Ảnh: Hoàng Phương, McRam.

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net