Thứ ba, 19/3/2024
Chủ nhật, 17/9/2017, 02:08 (GMT+7)

Người đàn bà điên khiến du khách trên thế giới 'phát cuồng'

Mặc dù Kusama sống trong trại tâm thần nhưng tác phẩm của bà hấp dẫn các nhà triển lãm và du khách tới tham quan.

Minh Phương, một du khách người Việt hồ hởi khi cầm trên tay chiếc vé vào tham quan triển lãm của Yayoi Kusama tại Triển lãm quốc gia Singapore. Cô cho biết đến Singapore du lịch được vài ngày và đã mua ngay vé khi bắt đầu mở bán. 

Kathy, một du khách Mỹ cũng cho biết: "Tôi cũng thích tới bảo tàng, triển lãm để tham quan khi đi du lịch. Nhưng sự xuất hiện của Yagoi Kusama khiến tôi có động lực hơn".

Yayoi Kusama, người phụ nữ khiến hầu hết bảo tàng trên thế giới và du khách phát cuồng, là một nghệ sĩ điêu khắc, họa sĩ, nhà văn nổi tiếng người Nhật Bản. Các tác phẩm của bà theo trường phái Avant-garde (Nghệ thuật vị nghệ thuật).

Với những ai từng tiếp xúc hay biết "nữ hoàng chấm bi" Yayoi Kusama đều cho rằng, đó là một người phụ nữ kỳ lạ. Trong những lần trả lời phỏng vấn báo chí, Kusama cũng thừa nhận điều này. Thậm chí, bà còn nhận mình là một "kẻ điên" và công khai với thế giới việc sống trong bệnh viện tâm thần hàng chục năm nay.

Thế nhưng hễ "người đàn bà điên" tung ra bộ sưu tập nghệ thuật nào, thì các triển lãm, bảo tàng nghệ thuật trên thế giới đều muốn nó xuất hiện tại chỗ mình. Vé bán để tham quan triển lãm của Kusama luôn được bán hết sạch trong thời gian ngắn, dù không hề rẻ.

Sức hút của Kusama đối với giới mộ điệu mạnh mẽ tới mức, nhiều du khách khi thấy có triển lãm của "nữ hoàng chấm bi" mở tại nơi mình đến tham quan, đều sẵn sàng móc ví để mua vé vào xem. Thậm chí, có không ít du khách ở châu Á còn bay tới các nước có triển lãm của bà như Singapore, Nhật Bản... chỉ để tận mắt chứng kiến các tác phẩm chỉ toàn chấm bi này.
Nhiều người cho biết, họ bị kích thích và thậm chí là ám ảnh với các tác phẩm với toàn chấm bi rối rắm như ma trận của bà.

Tác phẩm của Kusama nằm trong bộ sưu tập của các viện bảo tàng, triển lãm hàng đầu thế giới như Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York, bảo tàng Nghệ thuật Los Angeles, Trung tâm Nghệ thuật Walker, Bảo tàng Nghệ thuật Phoenix, Bảo tàng Stedelijk Amsterdam, Trung tâm Goerges Pompidou, Paris hay Tate Modern, London...

Sau hơn 7 thập kỷ không ngừng nghỉ cống hiến và tạo ra các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, Kusama đã được Nhật Bản trao giải nhà nước về thành quả trọn đời năm 2006.
Hình chấm bi xuất hiện trong mọi tác phẩm, dự án, nó lặp lại để thể hiện sự ám ảnh của Kusama với cuộc đời. Những hình chấm bi này nổi tiếng đến mức, nó trở thành biểu tượng của Kusama mỗi khi ai đó nhắc đến bà, và được nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới mua bản quyền.

Ngày nay, dù ở tuổi 90, Kusama vẫn không ngừng sáng tác. Mỗi ngày, bà đều hoàn thành một tác phẩm. Phần lớn tác phẩm đó đều thể hiện nỗi ám ảnh của tuổi thơ khốn khó và không được yêu thương. Cha bà đã phản bội gia đình và có tình nhân, ngay từ bé Kusama đã bị mẹ bắt đi để theo dõi cha.
Hình ảnh cha quan hệ với người tình đã trở thành sự tổn thương sâu sắc trong tâm trí cô gái Kusama bé nhỏ năm nào, và nó theo bà trong suốt các tác phẩm sau đó.

Các tác phẩm của Kusama trong những năm gần đây có màu sắc tươi sáng hơn so với quá khứ.
 

Nơi đầu tiên Kusama đạt được các thành tựu nghệ thuật và khiến cả thế giới biết đến là Mỹ. Bà đã có những năm tháng thành công ở đây và sau đó trở về Nhật Bản.

Năm 1973, Kusama trở về quê nhà khi sức khỏe đã yếu. Tại đây, bà bắt đầu viết tiểu thuyết, truyện ngắn... song song với sáng tác nghệ thuật. Năm 1977, bà tới bệnh viện Seiwa để khám bệnh tâm thầm và đây cũng là nơi cuối cùng nữ hoàng chấm bi muốn sống đến hết đời.

Ngày ngày, Kusama rời bệnh viện tâm thần để tới phòng vẽ gần Shinjuku, Tokyo. Sau đó, bà lại trở về trại điên. Kusma cho biết, sống với những người tâm thần khiến bà có nhiều ý tưởng và giúp bà phiêu hơn trong các tác phẩm. "Nếu không nhờ có nghệ thuật, tôi chắc chắn đã kết thúc cuộc sống của mình từ rất lâu rồi".

Nữ hoàng chấm bi hát về các tác phẩm của mình
 
 

Nữ hoàng chấm bi hát về các tác phẩm của mình. Nguồn: Youtube.

Nguồn: Nationalgallery.

Anh Minh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net