Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ bảy, 13/9/2014, 16:03 (GMT+7)

Ndebele, bộ tộc của những họa sĩ

Do cuộc sống bị áp bức trong chiến tranh mà người Ndebele đã sáng tạo nên một loại ngôn ngữ mới chính là những bức tranh tường trừu tượng sặc sỡ.

Ndebele là một tộc người sinh sống chủ yếu ở Nam Phi và Zimbabwe. Họ được biết đến nhờ tài năng nghệ thuật tuyệt vời thể hiện ở việc trang trí những ngôi nhà và làm các chuỗi hạt trang sức đầy màu sắc. 

Có rất ít thông tin về nguồn gốc người Ndebele, họ thuộc một nhánh của bộ tộc Nguni - nhóm này chiếm đến 2/3 dân số da đen ở Nam Phi.

Có nghiên cứu cho thấy người Ndebele từng di cư từ Natal (một tỉnh phía đông nam của Nam Phi) đến vùng Transvaal phía bắc sông Vaal, sau đó định cư ở gần Pretoria, tỉnh Gauteng, Nam Phi vào thế kỷ 16.

Sự ganh đua giữa những gia đình người Ndebele đã khiến họ tách ra một phần và di chuyển xa hơn về phía bắc, sau đó lập nhà sinh sống ở Zimbabwe.

Những người Ndebele sống ở Nam Phi lại chia làm 2 nhóm nhỏ là Manala và Ndzundza. Họ chính là những người đã xây dựng và sáng tạo nên hàng loạt các ngôi nhà được trang trí bằng các họa tiết trừu tượng đầy tính nghệ thuật.

Người Ndebele từng là các chiến binh dũng mãnh đã đồng hóa những nhóm người nhỏ hơn để làm tăng dân số cộng đồng của họ. Kết hôn chéo và sự trao đổi giữa các nền văn hóa cũng từ đó xuất hiện.

Kiến trúc và phong cách trang trí những ngôi nhà của họ được cho là một phần sản phẩm của các mối quan hệ này.

Theo một số nghiên cứu lịch sử cho thấy, người Ndebele từng bị đánh bại thảm hại trong cuộc chiến chống người Boer, những người Hà Lan sang châu Phi khai hoang, vào cuối thế kỷ 19.

Chính vì sống trong tình cảnh bị đàn áp mà những người Ndebele đã bắt đầu sáng tạo và sử dụng các ký tự đặc biệt để giao tiếp bí mật trong cộng đồng của mình.

Người Boer không thể hiểu được những ký tự này có ý nghĩa như thế nào nên họ coi đó như một kiểu trang trí vô hại và vẫn cho phép người Ndebele tiếp tục sử dụng.

Những bức tranh trên tường thường do phụ nữ vẽ, nó trở thành một nét truyền thống được các bà mẹ lưu giữ và truyền từ đời này sang đời khác. Vẻ đẹp của chúng thể hiện sự giỏi giang của người phụ nữ trong ngôi nhà đó.

Ngày nay du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của những tác phẩm nghệ thuật tranh tường này ở ngôi làng Mapoch, cách Pretoria 40km về phía tây. Đây là nơi còn gìn giữ nguyên vẹn các nét văn hóa đặc sắc của người Ndebele vì chưa bị tác động bởi các hoạt động thương mại.

Hương Chi
(theo Amusingplanet)

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net