Thứ bảy, 27/4/2024
Thứ tư, 18/12/2013, 07:37 (GMT+7)

Một thoáng Triều Tiên qua những tượng đài

Cùng là hình tượng cố Thủ tướng Kim Nhật Thành, nhưng mỗi bức tượng lại có những nét khắc họa khác nhau, khi thì nghiêm trang trong quân phục, lúc lại bay bổng cưỡi ngựa hí vang trời.

Tháp Juche

The Juche Tower – Tháp Juche là một phần của khu tượng đài hoành tráng được dựng lên những năm 1980. Juche (tinh thần tự lực tự cường) là hệ tư tưởng được xây dựng bởi Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), Thủ tướng đầu tiên của Triều Tiên và sau này là Chủ tịch Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Với Juche, đất nước Triều Tiên gần như đóng cửa với thế giới bên ngoài và tự lực tự cường. Ngọn tháp cao 170 m và là trụ tháp tượng đài đơn cao thứ hai thế giới.

Ảnh: Stephan/Flickr.

Được làm từ 25.500 viên đá trắng với ngọn đuốc đúc bằng kim loại nặng 45 tấn đặt bên trên. Mỗi khối đá tượng trưng cho một ngày tuổi của người được xem là vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Triều Tiên (cho đến thời điểm được xây dựng). Phía trước là khối điêu khắc đồng biểu trưng cho tinh thần Juche của người dân Triều Tiên. Ngọn tháp có thang máy để lên trên và được chiếu sáng hằng đêm. Trước mặt tháp gắn 2 từ Juche theo tiếng Triều Tiên.

Ảnh: Laptop&Passport/Flickr.

Cổng vòm Thống Nhất

The Arch of Reunification - Cổng vòm Thống Nhất nằm ở Thủ đô Pyongyang (Bình Nhưỡng) được hoàn thành năm 2001. Ngay bên dưới là con đường cao tốc Thống Nhất, tuyến đường được kiểm soát chặt chẽ. Cổng vòm là hình ảnh 2 người phụ nữ trong trang phục truyền thống biểu tượng cho hai miền Nam Bắc tiến đến với nhau trong việc hợp nhất đất nước. 

Ảnh: D-Stanley/Flickr.

Mặc dù Hàn Quốc không đồng ý với kế hoạch do Kim Il-sung đề xướng (từng được đưa ra từ khi ông qua đời năm 1994 và trở thành chủ tịch vĩnh cửu của đất nước), ý tưởng này đã có thời tưởng chừng sẽ thành hiện thực. Cổng vòm đã làm cho mọi người nhầm tưởng về ý định của Kim Il-sung về cách hòa hợp hai miền bởi năm 1950, cuộc chiến tranh đã nổ ra giữa Nam Bắc Triều Tiên và do chính ông phát lệnh tấn công. 

Ảnh: Onsiteguidance/Flickr.

Khải Hoàn Môn

The Arch of Triumph – Khải Hoàn Môn được xây dựng để tưởng nhớ cuộc chiến của người Triều Tiên chống lại Nhật giai đoạn 1925 – 1945. Nếu bạn thấy có vẻ quen thuộc thì bởi vì công trình này lấy ý tưởng và hình mẫu từ Khải Hoàn Môn tại Paris. 

Ảnh: John Paveika/Flickr.

Được khánh thành năm 1982, Khải Hoàn Môn có chiều rộng 50 m và cao 60 m và là Khải Hoàn Môn cao nhất thế giới hiện tại. Công trình được dựng nên từ hơn 25.000 khối đá granite, dưới thời lãnh đạo của Kim Il-sung. 

Ảnh: RapidTravelchai/Flickr.

Tượng đài Nền tảng của Đảng Lao Động

Ngay bên dưới con đường mà tháp Juche tọa lạc, tượng đài Nền tảng của Đảng Lao Động Triều Tiên hiện lên hiên ngang. 

Ảnh: onsiteguidance/Flickr.

Công trình được xây dựng trong những năm đầu thập kỉ 90 để kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đảng Lao Động Triều Tiên.

Ảnh: Laptop&Passport/Flickr.

Lăng tưởng niệm Kumsusan

Được xây dựng năm 1976, công trình được sử dụng ban đầu là nơi sống và làm việc của Kim Il-sung, và sau này trở thành thành lăng của ông. 

Ảnh: socialismexpo/Flickr.

Thi hài của nhà lãnh đạo được đặt trong lồng kính. Thi hài con trai ông, Kim Jong-Il (Kim Chính Nhật) được đặt trong một căn phòng gần đó. Không ai được phép quay phim và chụp hình bên trong lăng tưởng niệm. 

Ảnh: socialismexpo/Flickr.

Kaesong và Samjoyon

Mặc dù tại thủ đô có rất nhiều các công trình quan trọng và nổi bật để tưởng niệm các vị lãnh tụ và Đảng Lao Động, nhưng những tỉnh thành khác cũng có nhiều bức tượng ấn tượng. Trung tâm của thành phố Kaesong là bức tượng lớn của Kim Il-sung. 

Ảnh: Rita Wiallert.

Tại thành phố Samijiyon là bức tượng đồng Kim Il-sung trong bộ quân phục, đi bốt cổ cao và tay cầm ống nhòm. 

Ảnh: Laika Ac/Flickr.

Sát bên cạnh bức tượng là phù điêu và tượng xi măng hình những người lính xông pha trong chiến trận. 

Ảnh: Laika Ac/Flickr.

Tượng nhóm các quân nhân cả nam và nữ được đặt trên một tảng đá sát mép hồ nước trong khu tưởng niệm tại Samijiyon. 

Ảnh: Laika Ac/Flickr.

Đài tưởng niệm Masudae

Khu vực rộng lớn này là nơi đặt 2 bức tượng đồng lớn của Kim Il-sung và Kim Jong-il. Bên trái và phải là hai lá cờ lớn đúc bằng xi măng dài 50 m, cao 20 m. 

Ảnh: Gabriel Britto/Flickr.

Đặt bên dưới 2 ngọn cờ là 228 bức tượng người với nhiều kích cỡ, cao nhất lên đến 5 m. 

Ảnh: Rapidtravelchai/Flickr.

Nhóm những bức tượng bên trái là hình ảnh những người lính đang xông pha chiến trận, và bên phải là người dân Triều Tiên đang chống chọi lại với muôn vàn khó khăn trước kẻ thù. Tượng đài được xem như biểu tượng tiêu biểu cho Triều Tiên và con đường người dân nước này đang đi theo. 

Ảnh: Rapidtravelchai/Flickr.

Đài tưởng niệm “Hai vị lãnh tụ cưỡi ngựa”

Được khánh thành tại Bình Nhưỡng năm 2012, đây là một trong những tượng đài mới và lớn của Triều Tiên với hình ảnh Kim Jong-il và cha ông Kim Il-sung đang cưỡi ngựa. 

Ảnh: SimpleBurger/Flickr.

Khối điêu khắc chi tiết và có phần bay bổng. 

Ảnh: Joseph Ferris/Flickr.

Hoài Nam

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net