Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ ba, 19/12/2017, 20:03 (GMT+7)

Đặc sản 'ngón tay thần chết' 100 euro một đĩa

Hà ngỗng là sản vật hiếm của vùng biển tây nam Bồ Đào Nha, với bề ngoài xấu xí tới mức người ta gọi là "ngón tay thần chết".

Hà ngỗng là động vật có vẻ ngoài xấu xí nhưng vị lại ngon và lạ, pha trộn của sò và tôm. Ngoài ra một số người còn gọi hà ngỗng là "truffle của biển" vì sự hiếm có khó tìm của chúng. Với thân dày, phần giống móng vuốt có hình như kim cương, chúng chỉ có thể sống trên đá ở vùng liên triều (phần bờ biển giữa lúc triều lên và xuống).

Con người không thể nuôi hà ngỗng mà chỉ có biển khơi mới làm được. Vì vậy việc thu hoạch chúng rất khó khăn và hà ngỗng được đánh giá là món ăn hiếm và khó khai thác nhất ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nga, đặc biệt là vùng biển tây nam Costa Vicentina. 

Vì có giá trị về ẩm thực và tiền tệ, những con hà ngỗng vẫn luôn được cung cấp cho thị trường, và các thợ lặn tận dụng cả thời tiết khắc nghiệt để bắt chúng. 

Theo Fernando Damas, một thợ lặn bắt hà ngỗng: "Thậm chí một ngày xấu trên biển cũng tốt hơn một ngày yên ổn ở văn phòng. Đại dương luôn đầy ắp những điều bất ngờ". Fernado bỏ nghề thiết kế công nghiệp 19 năm trước để làm thợ lặn toàn thời gian. 

Ở Costa Vicentina, người dân có một câu nói: "Đừng bao giờ quay lưng với chúa khi bạn đánh bắt "ngón tay thần chết". João Rosário, một thợ lặn khác giải thích rằng, Chúa coi trọng sức mạnh của biển cả. "Đi lặn bắt hà ngỗng mà lờ đi đại dương với những điều không ngờ tới thì rất dễ bị thương hoặc tử nạn. Rất nhiều trường hợp thợ lặn bị bất tỉnh và chết chìm đã xảy ra. Người may mắn thì có thể bị thương ở tay, chân hoặc trầy xước do đá sắc cắt qua bộ đồ lặn".  

Để bắt hà ngỗng, thợ lặn phải leo xuống từ vách đá cao chừng 100m với một sợi dây thừng và chiếc đục để đục bề mặt đá ở những chỗ thủy triều rút, chú ý tránh bị ngã, đâm phải đá bên dưới lớp sóng dữ. Một cách khác là đi thuyền để mỏ neo an toàn từ một chỗ xa vách đá, khi triều lên thì bơi về phía vách đá, căn theo nhịp sóng mà bắt hà ngỗng. 

Những thợ lặn bắt hà ngỗng luôn phải làm việc theo nhóm để đảm bảo an toàn. Fernando đang làm việc cùng Tiago Craca hơn 6 năm qua cho hay, bạn phải luôn tin tưởng người đồng hành với cả tính mạng của mình. Họ tạo thành một đội rất ăn ý, chia sẻ kinh nghiệm về việc thời điểm nào đủ an toàn để lặn và khi nào là ngừng lại. 

Fernando chia sẻ: "Cậu ấy chỉ bằng nửa tuổi tôi nhưng đã cứu tôi rồi. Hôm đó, đầu tôi nghĩ rất nhiều chuyện. Bạn không thể lo lắng quá như vậy vì sẽ làm mất sự tập trung. Tôi đã không thấy sóng biển động và chân tôi bị kẹt ở một kẽ hở. May mắn thay Tiago nhận ra tôi ở dưới nước quá lâu và đã xuống tìm tôi".

Ở Bồ Đào Nha, hà ngỗng bị đánh bắt thường xuyên và các hoạt động lặn bắt đều được kiểm soát bởi thị trấn Villa do Bispo, trụ sở của Hiệp hội hà ngỗng Bồ Đào Nha. Chỉ có 80 chứng chỉ lặn được cấp mỗi năm, hầu hết thợ lặn đều sống ở đây hoặc thị trấn biển Sagres gần đó. Theo Paulo Barata, chủ tịch hiệp hội: Chợ cá ở Sagres là nơi duy nhất mà các thợ lặn được phép bán hà ngỗng tới các chủ nhà hàng, chủ buôn. Mỗi thợ lặn chỉ được bắt 15 kg hà ngỗng mỗi ngày và bán với mức giá 30 - 60 euro/kg dựa trên chất lượng, kích cỡ của chúng. 

Dù cho luật lệ nghiêm ngặt, săn trộm hà ngỗng vẫn xảy ra bởi đó là nghề sinh lợi và cảnh sát biển không thể tuần tra khắp nơi được. Có người săn trộm hà ngỗng đem tới chợ cá ở thị trấn Portimão, cách Sagres 55 km về phía đông, cho hay: Tôi không quan tâm luật lệ, Costa Vicentina là của người dân không phải của chính phủ. Những con hà ngỗng giống như "máy rút tiền ATM" từ biển cả. Chúng tôi có quyền lấy tiền của mình".

Đặc sản 'ngón tay thần chết' 100 euro một đĩa
 
 

Món hà ngỗng ngoài Bồ Đào Nha còn có ở Tây Ban Nha. Video: Eat Northern Spain. 

Hãy tưởng tượng một buổi chiều lười biếng trong một chuyến đi biển, mặt trời chiếu xuống những tia nắng và gió nhè nhẹ thổi hơi biển vào. Đó chính là hương vị của những con hà ngỗng. 

Theo Sergio Meudes, chủ một nhà hàng ở Lisbon: "Cách duy nhất để thưởng thức "ngón tay thần chết" là ăn bằng tay không. Bạn phải nắm thật chặt cái móng nhiều màu của nó và bóc rút vỏ ngoài để lộ phần thịt ở thân là có thể ăn được". Giá của món ăn này là 100 euro một đĩa, theo BBC.

Người Bồ Đào Nha có một cách nấu hà ngỗng là luộc chúng với nước muối trong khoảng thời gian đọc lời cầu nguyện của Chúa. Đầu bếp Adriano Lemes cho hay: "Kể cả khi bạn đọc lời cầu nguyện thật chậm thì cũng không thể hơn một phút được. Sau đó vớt hà ngỗng cho vào đá lạnh là xong. Và không cho thêm bất kỳ gia vị hay loại nước sốt nào vào chúng cả". 

Ảnh: Tim E. White

Hương Chi (theo BBC)

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net