Thứ năm, 25/4/2024
Thứ sáu, 23/11/2018, 02:08 (GMT+7)

Căn hầm bí mật trong tòa nhà hơn trăm tuổi ở Sài Gòn

Hầm trong bảo tàng TP HCM rộng 1.400 m2, có sáu lớp cửa sắt, chịu được các loại pháo và bom 500 kg.

Tòa nhà của bảo tàng TP HCM (đường Lý Tự Trọng, quận 1) từng mang tên Dinh Gia Long, do KTS người Pháp, Alfres Foulhoux, thiết kế được xây dựng từ năm 1885 đến năm 1890.

Tòa nhà từng được sử dụng làm Bảo tàng Thương Mại rồi thành dinh thự cho thống đốc Nam Kỳ Hoefel. Năm 1962, khi Dinh Độc Lập (Dinh Thống Nhất ngày nay) bị hư hại hoàn toàn do ném bom thì công trình này thành nơi ở và làm việc tạm thời của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm.

Trong thời gian chờ Dinh Độc Lập mới hoàn thành, lo sợ bị đảo chính hoặc ném bom nên gia đình họ Ngô nghĩ đến việc thiết kế căn hầm trú ẩn ở Dinh Gia Long.

KTS Ngô Viết Thụ được giao thiết kế căn hầm nhưng sau đó ông sang Mỹ, công việc được kỹ sư Phan Đình Tăng tiếp quản. Hầm được khởi công từ tháng 5/1962 đến 30/10/1963 hoàn thiện. Lối vào nằm ở hai đầu hành lang dinh, cao khoảng 2 m, chỉ vừa một người đi lại.

Hầm được đào sâu xuống đất 4 m, đúc bằng xi măng cốt thép với 170 kg sắt trên một m3 bê tông, có tường dày đến một mét. Theo thiết kế, hầm có thể chịu được các loại pháo và bom 500 kg.

Hầm có 6 cánh cửa sắt được đúc nguyên khối, có bánh lái để khóa, chốt sắt lớn để cài khi gặp sự cố.

Nếu có sự cố, chỉ sau 5 phút các yếu nhân được đưa xuống hầm. Bên trong hầm đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc kết nối bên ngoài.

Tổng diện tích mặt bằng hầm khoảng 1.400 m2. Không gian được chia làm 6 phòng thông nhau qua các hành lang. Nền được tráng xi măng hoặc lát gạch hoa.

Phòng tiếp khách của Tổng thống Ngô Đình Diệm dưới căn hầm. Theo thiết kế, hầm có thể chịu được các loại pháo và bom 500 kg.

Hiện nay, phòng lớn được trưng bày nhiều ảnh về sự hình thành, phát triển của Dinh Gia Long.

Bản thiết kế căn hầm bên dưới dinh Gia Long được trưng bày. Theo tính toán, căn hầm hoàn thiện với tổng kinh phí hơn 12,5 triệu đồng - số tiền rất lớn lúc bấy giờ.

Một bài báo cũ đưa tin về diễn biến cuộc đảo chính ngày 1/11/1963. Khi ấy, hai anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu đã trốn xuống hầm trú ẩn rồi di chuyển bằng ôtô qua Chợ Lớn, trốn trong nhà thờ cha Tam. Sau đó, anh em họ Ngô bị phe đối lập bắt giết.

Lối ra vào của căn hầm nằm trong khuôn viên phía sau của dinh thự. Có hai đường ra đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Pasteur được ngụy trang bằng các lô cốt nhỏ có chậu cây cảnh che chắn.

Hiện, Dinh Gia Long vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Do nhiều đoạn bị ngập nước đang sửa chữa nên đường hầm chỉ mở cửa một phần cho du khách tham quan.

Bảo tàng TP HCM là điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong, ngoài nước. Thời gian gần đây, tòa nhà trở thành điểm chụp hình thú vị của giới trẻ, nhiều cặp uyên ương.

Quỳnh Trần

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net