Thứ năm, 28/3/2024
Thứ bảy, 2/12/2017, 14:06 (GMT+7)

Bên trong nhà vườn đẹp nhất xứ Huế

Chịu ảnh hưởng của thuật phong thủy, kiến trúc và thiên nhiên hòa quyện, nhà vườn An Hiên rộng tới gần 5.000 m2 quay hướng chính về phía sông Hương.

Nhà vườn Huế mang một dấu ấn đậm nét, vừa có dáng vẻ quý tộc, lại vừa có màu sắc dân gian truyền thống. Trong hàng trăm ngôi nhà vườn vẫn còn tồn tại, nhà vườn An Hiên là công trình tiêu biểu nhất. Nhà vườn nằm ở bờ bắc sông Hương, phía tây kinh thành, thuộc vùng đất Kim Long, nơi xưa kia là thủ phủ của các chúa Nguyễn (nay là địa chỉ số 58 đường Nguyễn Phúc Nguyên, thôn Xuân Hòa, xã Hương Long, TP Huế), cách không xa chùa Thiên Mụ.

Vùng đất Kim Long có nhiều nhà vườn tạo nên một hệ thống nhà vườn đặc sắc. Từ giữa thế kỷ 17, chúa Nguyễn Phúc Lan đã chọn nơi này làm thủ phủ xứ Đàng Trong, và vùng đất này trở nên phồn thịnh. Bên cạnh những hoàng cung lộng lẫy là dinh cơ, phủ đệ của những ông hoàng, bà chúa và giới thượng lưu.

Theo sử sách ghi chép, tới thời nhà Nguyễn (1802-1945), vua Gia Long đã xây kinh thành mới ở khu vực làng Phú Xuân kế đó không xa. Khu vực Kim Long không hề kém vị thế, lại càng phù hợp để xây dựng những cơ ngơi riêng của hoàng tộc và quan lại triều đình. Nhà vườn An Hiên cũng như nhiều nhà vườn khác ở nơi đây được ra đời trong bối cảnh ấy.

Theo tài liệu của gia đình, trước năm 1895, gia chủ đầu tiên là công chúa thứ 18 của vua Dục Đức, khi đó dinh cơ này là phủ công chúa. Sau đó vì hoàn cảnh riêng của mỗi chủ nhân, lẫn bối cảnh lịch sử chung, ngôi nhà đã đổi chủ nhiều lần, đều là hoàng thân, quan lại và giới thượng lưu ở Huế.

Người chủ gắn bó lâu nhất là bà Đào Thị Xuân Yến, thừa kế nhà từ 1936 đến 1997 khi chồng qua đời. Bà là vợ ông Tuần Vũ Nguyễn Đình Chi, bấy giờ ông đang giữ chức Tuần phủ Hà Tĩnh. Sinh thời, ông bà Nguyễn Đình Chi là những người có học thức, uy tín trong xã hội. An Hiên là tư gia và cũng là nơi lui tới của nhiều nhân sĩ trí thức, tao nhân mặc khách.

Nhà vườn An Hiên được thiết trí mẫu mực theo kiến trúc nhà vườn xứ Huế, chịu ảnh hưởng bởi thuật phong thủy. Kiến trúc và thiên nhiên hòa quyện vào nhau. Quần thể công trình rộng tới gần 5.000 m2 quay hướng chính về phía sông Hương. Chủ thể là một ngôi nhà rường nằm ở trung tâm khu vườn, rộng 135 m2.

Toàn bộ hệ khung kết cấu nhà được làm bằng gỗ, liên kết mộng hoàn toàn.

Ngôi nhà có tất cả 48 cột, cùng hệ thống vì kèo được làm bằng gỗ mít; đòn tay gỗ kiền kiền; ván ngăn trong nhà gỗ lim. Các cột được gối trên bệ đá.

Hệ thống vì kèo được chạm trổ hoa văn tinh xảo. Mái lợp ngói liệt nhiều lớp, bờ nóc hai bên đắp rồng chầu, ở giữa đỉnh mái có hình hoa sen…

Không gian nội thất của ngôi nhà được phân chia rõ ràng theo chức năng sử dụng. Gian giữa là gian thờ, với nguyên tắc bài trí: “tiền Phật hậu linh” (thờ Phật phía trước, thờ tổ tiên phía sau).

Hai gian hai bên là nơi tiếp khách theo nguyên tắc “tả nam hữu nữ” (nam bên trái, nữ bên phải), hai chái nhà cũng tương tự, là nơi ở và sinh hoạt của nam (bên trái) và nữ (bên phải), theo quan niệm thời phong kiến.

Ngôi nhà có nhiều kỷ vật quý của cung đình triều Nguyễn. Đó là bức hoành phi đề 4 chữ “Văn Võ Trung Hiếu” do vua Bảo Đại ban cho gia đình năm 1937, hiện treo ở gian giữa, và nhiều bài thơ của vua Thành Thái, hiện cũng được treo ở nơi tiếp khách trong nhà.

Phía trước và xung quanh nhà là sân vườn với rất nhiều loại cây bốn mùa xanh tươi, đơm hoa kết trái. Nhiều loại cây được trồng rất lâu năm, như hàng mơ ở lối vào được trồng từ những năm 1940. Nhiều loại cây ăn quả, nhiều giống cây quý hiếm khắp 3 miền cũng được đưa về đây. Có thể kể tới măng cụt, sầu riêng, thanh long… của miền nam; mơ, hồng, vài thiều… của miền bắc; thanh trà, dâu, vả… của miền trung.

Trải qua những thăng trầm của thời gian và thời cuộc, nhà vườn An Hiên vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Hiện nay, nhà vườn An Hiên là một địa chỉ văn hóa, điểm dừng chân quen thuộc của những du khách tới Huế. Đó cũng là một nét riêng biệt của Huế trong văn hóa kiến trúc đô thị ở Việt Nam. Vé vào tham quan giá 20.000 đồng.

Hà Thành

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net