Tết Hà Nội

Xưa và Nay

Nhắc đến Tết, nhiều người thường nghĩ tới Hà Nội, với không khí nhộn nhịp nhưng vẫn còn đó nét truyền thống của những ngày xưa cũ. Đó là các phiên chợ chỉ họp một năm một lần vào dịp Tết như chợ hoa Hàng Lược, chợ đồ cổ ở ngã 5 phố cổ... mở từ 23 đến 30 tháng Chạp. Đó còn là những phong tục, tập quán được gìn giữ lâu đời, những ngôi chùa cổ đông đúc du khách khói hương mỗi dịp đầu năm...

Tết xưa

Tết nay

Chợ hoa

Chợ hoa bao giờ cũng là nơi Tết đến sớm nhất. Người ta tìm đến chợ hoa để sắm cành đào, cây quất trang hoàng cho ngày Tết. Bởi vậy chợ Quảng Bá vốn nhộn nhịp càng trở nên đông đúc vào dịp cuối năm.

Có đủ loại hoa từ truyền thống như đào, cúc, thược dược, lay ơn, violet... đến tân thời như lan, cẩm chướng, ly, thạch thảo... Thông thường, chợ chỉ họp vào khoảng nửa đêm đến 3h - 4h sáng, nhưng những ngày cận Tết sẽ họp từ sáng đến tối.

Tết Hà Nội không thể không kể đến chợ Hàng Lược, họp từ 23 đến 30 tháng Chạp, trong đó đào, quất được bày bán chủ yếu. Đây là khu chợ không chỉ để mua sắm, mà còn để tìm lại chút xưa của không khí Tết. Ngoài ra, Hà Nội còn có chợ hoa Tây Tựu, Mê Linh, Hoàng Hoa Thám.

Chợ đồ cổ

Họp một năm một lần, chợ nằm ở ngã 5 Hàng Mã, Hàng Cân, Hàng Lược, Hàng Đồng trở thành điểm hẹn cho những người mê đồ cổ, giả cổ. Hàng quán ở đây mở ra đơn giản, đôi khi chỉ là tấm bạt trải ra, bày đồ lên để bán, nhưng khách không vì thế mà nề hà. Mặt hàng bày bán tại đây đa dạng, phổ biến nhất là các loại đồ thờ, tượng Phật hoặc tứ linh bằng đồng, đỉnh đồng..., ngoài ra còn có các đồ gốm sứ, giá từ vài trăm đến cả triệu đồng một món.

Nhiều người giữ thói quen đi chợ đồ cổ vào dịp Tết và năm nào cũng mua vài món gọi là chơi Tết. Người không chơi cũng ghé qua, vừa để ngắm, vừa để cảm nhận bầu không khí cả năm mới có một lần.

Món ăn ngày Tết

Bánh chưng làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ, gói vuông và nấu trong nhiều giờ. Ảnh: Giang Trịnh.
Nem rán với thịt nạc băm, trứng, miến... gói bánh tráng, rán vàng là món ăn kèm nước chấm chua ngọt. Ảnh: Blue Jan's.
Thịt đông chủ yếu làm từ chân giò, mộc nhỉ, hay ăn cùng dưa, hành muối. Ảnh: Do Kim Anh.
Canh măng khô là món thường xuất hiện trong mâm cỗ tất niên, nấu cùng móng giò. Ảnh: Blue Jan's.
Hành muối là món giải ngấy, nhiều gia đình thường tự làm để ăn dần. Ảnh: Diva.
Chè kho thường được dùng trong các mâm cúng ngoài trời lúc giao thừa Ảnh: Blogdulich.
Mứt dừa ngày nay ngoài màu trắng còn được chế biến với nhiều vị và màu sắc bắt mắt. Ảnh: Youtube.
Ô mai Hàng Đường luôn là địa chỉ đỏ để tìm mua món ăn chơi này. Ảnh: diadiemanuong.
Các loại hạt ngoài hạt bí, hạt dưa, nay còn có thêm hạt dẻ cười, hạt hạnh nhân. Ảnh: Vix.
Mâm ngũ quả thường có chuối, bưởi, phật thủ, đu đủ và quất, ớt trang trí. Ảnh: Giang Trịnh.

Giao Thừa - Giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là một trong những khoảnh khắc được chờ nhất, ước vọng năm mới an lành và hạnh phúc

Hà Nội mùng 1 Tết

Đây là những giờ phút hiếm hoi trong năm Hà Nội trở về đúng với vẻ yên bình, tĩnh tại của nó. Không còn dòng xe hối hả ngược xuôi, không còn tiếng động ồn ào, nhiều người dậy sớm để tận hưởng không khí trong lành, chụp ảnh làm kỷ niệm. Những chiếc xe máy vội vã dường như đã nhường chỗ cho những vòng quay xe đạp chậm rãi, những bước chân đi bộ thong dong, vừa đi vừa hít hà bầu không khí năm mới.

Khách Tây và tết Việt

Đối với nhiều người nước ngoài, đặc biệt là những người đến từ châu Âu, châu Mỹ, Tết âm lịch của người Việt vẫn là một điều xa lạ, bởi họ chủ yếu ăn mừng lễ Giáng sinh và năm mới theo Dương lịch. Không ít người từng phàn nàn gặp khó khăn trong dịp Tết ở Việt Nam khi các hàng quán và dịch vụ đều đóng cửa. Nhưng chính không khí yên bình, khác biệt so với ngày thường trong dịp Tết ấy lại hấp dẫn nhiều du khách.

Hãy để Vietjet Air đưa bạn về nhà, gửi tận tay người thân một cành đào đậm sắc xuân giữa không khí đầm ấm của Tết Hà Nội.

Vy An