Đó là kết quả nghiên cứu của Đại học Cornell, New York, Mỹ vừa được công bố mới đây. Nghiên cứu kéo dài hai thập kỷ dẫn đầu bởi tiến sĩ Thomas Gilovich cho thấy mấu chốt nằm ở sự khác biệt trong giá trị của những trải nghiệm và vật chất là sự thích nghi.
“Chúng ta mua những thứ làm mình hạnh phúc, và chúng ta đạt được điều đó. Nhưng chỉ sau một thời gian, những thứ mới làm chúng ta rất hào hứng lúc đầu, nay đã trở nên quen thuộc”, nghiên cứu cho hay.
Về cơ bản, con người thường trở nên quen thuộc với đồ vật mình sở hữu và qua thời gian niềm hạnh phúc từ những đồ vật đó ngày càng giảm. Mặt khác, hạnh phúc từ những việc làm của mỗi người lại tăng lên theo thời gian. Bởi những trải nghiệm trở thành một phần và định hình số phận của mỗi người.
Đó là lý do tại sao chiếc máy điện tử Nitendo DS bạn từng mơ ước trong sinh nhật 20 tuổi nay bị lãng quên đâu đó trong túi dưới gầm giường còn kỷ niệm về chuyến đi Nam Mỹ vẫn được nhắc lại thường xuyên và trìu mến.
Tiến sĩ Gilovich cho thấy thay vì tiết kiệm tiền để mua một chiếc TV màn hình phẳng, để hạnh phúc hơn bạn nên tiêu số tiền đó cho những trải nghiệm như việc đi du lịch, hoặc các hoạt động ngoài trời, các kỹ năng mới hay tham quan triển lãm.
“Bạn có thể thích những thứ vật chất. Bạn có thể nghĩ rằng hình ảnh của mình gắn liền với những thứ đó nhưng thực chất chúng vẫn tách biệt với bạn. Ngược lại, những trải nghiệm bạn có mới thực sự là một phần của bạn”, tiến sĩ Gilovich nói.
Như Bình (Theo AWOL)