Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ bảy, 18/7/2015, 09:00 (GMT+7)

Tục thi 'ông Voi' ở đình Trà Cổ

Để có voi chầu thần trong lễ hội đình, người dân Trà Cổ thay thế bằng con lợn, loài vật nuôi phổ biến của cư dân nông nghiệp và gọi là “ông Voi”.

Lễ hội đình Trà Cổ diễn ra từ ngày 30/5 đến 3/6 âm lịch hàng năm. Theo tín ngưỡng của người dân nơi đây, voi được coi là linh vật của thần. Chiều 30/5 âm lịch, 12 “ông Voi” được các ông Đám đưa ra UBND phường để rước về đình.

Theo lệ xưa được duy trì đến nay, trước khi vào lễ hội, làng Trà Cổ họp chọn ra 12 người, gọi là cai Đám, để chuẩn bị cho lễ hội năm sau. Cai Đám phải là những người ngoài 30 tuổi, khoẻ mạnh, biết làm ăn, có đạo đức và lối sống lành mạnh, gia đình thuận hoà, không vướng tang ma. Họ được dân làng kính trọng gọi là “ông Đám”.

Tháng 12 âm lịch hàng năm, 12 cai Đám sẽ bốc thăm để nhận nuôi một con lợn. Sau khi mua về nhà, chú lợn này được gọi là “ông Voi”, chăm sóc chu đáo, cho ăn ngon, ngủ có mắc màn để tránh ruồi muỗi. Khi “hắt hơi xổ mũi” sẽ có bác sĩ thú y thăm khám.

Sau lễ tế gia tiên, các cai Đám sẽ dùng cũi sơn đỏ có mái rèm che bằng vải đẹp lộng lẫy để che nắng, mưa cho “ông Voi”. 12 “ông Voi” được các cai Đám tắm rửa sạch sẽ rồi rước ra sân đình xếp thành hai hàng để chầu thần. Đội hình rước gồm: Cồng, trống tiền quân, cờ hàng, bát âm nhị huyền, cờ ngũ hành, bát biểu, đội trống hội, trung quân, sau đến các “ông Voi”, tiếp là ban tế và gia đình của 12 ông Đám.

Mỗi “ông Voi” nặng từ 150 đến 250 kg, được nuôi khoảng 6 tháng.“Ông Voi” được xếp theo thứ tự, Trưởng Đám đứng đầu bên phải, Phó Đám đứng đầu bên trái. Mỗi bên 6 ông, xếp theo hàng dọc trước cửa đình để chầu thần.

Các cũi có băng rôn tên ông Đám. Những người được làng chọn cũng rất vinh dự và tự hào, vì theo quan niệm của người xưa, gia đình nào làm tốt công việc cai đám sẽ được lộc, mạnh khoẻ, ăn nên làm ra… Theo phong tục mỗi người đàn ông chỉ được làm cai Đám một lần trong đời.

Sau lễ tế cáo yết thần, ban tổ chức lễ hội sẽ dùng cân để cân xem “ông Voi” nào nặng nhất sẽ giành giải nhất. Ngay sau phần chấm giải, các “ông Voi” trở lại là những chú lợn bình thường, gia đình cai Đám có thể bán luôn cho thương lái ngay tại cổng đình hoặc đưa về nhà giết thịt khao họ hàng. Riêng “ông Voi” đoạt giải nhất được giữ lại để mổ tế thần. Trong mâm lễ tế, ngoài thủ lợn không thể thiếu túm lông vai của “ông Voi”. Cúng xong, túm lông vai này được đưa ra đặt ở gốc đa cạnh sân đình. Đây là một nghi thức rất thiêng liêng, quan trọng trong lễ hội đình Trà Cổ.

Theo tục lệ, các “ông Voi” phải chầu thần tại đình một đêm. Các cai Đám sẽ phải túc trực ở đình, cùng ban tổ chức lo các việc cúng lễ, đèn nhang cho đến khi xong hội mới thôi.

Minh Cương

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net