Thứ năm, 28/3/2024
Thứ hai, 29/5/2017, 12:03 (GMT+7)

Quần đảo xảy ra gần 1.000 vụ đắm tàu ở Canada

Khoảng 500 tới 1.000 vụ đắm tàu được ghi nhận ở quần đảo Magdalen, Canada từ thế kỷ 18 tới nay, hiện con cháu của những người sống sót sau đắm tàu vẫn sinh sống trên đảo để kể lại chuyện xưa.

Xấp xỉ 500 đến 1.000 tàu chở người và hàng hóa từ châu Âu tới Canada, phần lớn trong thế kỷ 18 và 19, bị đánh chìm bởi dòng hải lưu nguy hiểm, rồi dạt vào vùng nước cạn của một quần đảo hình lưỡi câu, Magdalen. Dân cư nơi đây đa số nói tiếng Pháp, nằm giữa vịnh St Lawrence, tỉnh Quebec, Canada.

Charles Cormier, một người bảo vệ bờ biển, cho biết: “Rất nhiều người không biết rằng ở đây tồn tại một quần đảo. Có lần chỉ một cơn bão đã đánh chìm tới 48 con tàu”.

Vào thế kỷ 18 và 19, có rất ít ngọn hải đăng hay bản đồ chính xác, vì gió mạnh, sương mù và sóng lớn, nhiều người đã thiệt mạng và bị chôn vùi ở những cồn cát. Những người sống sót mất hết dự định ban đầu, đành xây dựng cuộc sống mới dọc bờ biển đầy bão của quần đảo Magdalen.
Ngày nay, hậu duệ của họ vẫn cư ngụ trên quần đảo. Những người trong cộng đồng nói tiếng Anh này đang sống để kể lại các câu chuyện về nhiều thế hệ đã ở Magdalen trước họ, dù có lẽ họ rất muốn rời khỏi đây.

Nancy Clark, 32 tuổi, đang làm việc trong một dự án khuyến khích thanh niên không rời đảo để tới những thành phố lớn, tại một trường học địa phương. Nancy chia sẻ: “Chúng tôi chỉ là một cộng đồng nhỏ, gần như mọi người đều có ít nhất một người từ đời trước dạt vào đây từ những vụ đắm tàu”.

Cộng đồng nói tiếng Anh trên quần đảo Magdalen chỉ có khoảng 550 người, là con cháu của những người nhập cư hoặc bị đắm tàu đến từ Anh, Scotland và Ireland. Họ sống tách biệt khỏi cộng đồng nói tiếng Pháp trong nhiều năm, chủ yếu ở ba khu vực: Grosse-Île, Old Harry (ở phía bắc đảo Magdalen) và đảo Entry - một đảo nhỏ ở phía nam. Winston Clarke, một người dân ở vùng Grosse-Île, cho hay: “Chỉ đến đầu những năm 1900, những con đường mới được xây dựng để kết nối hai cộng đồng này với nhau”.

Có một số cách để phân biệt hai nhóm dân cư này trên đảo. Ở cộng đồng nói tiếng Anh, nhà được sơn màu trắng và xám, trong khi người nói tiếng Pháp thích sơn màu vàng sáng, xanh lá, xanh dương và cả màu cam đỏ. Trong giao tiếp, người Pháp thường hôn và chạm vào nhau, trái lại, người Anh có phần giữ kẽ hơn. “Chúng tôi chỉ thích gật đầu với nhau thôi”, Nancy Clark cho biết.

Nancy nói: “Chúng tôi nhận ra những khác biệt ấy, nhưng không quá để ý tới chúng, bởi hai cộng đồng đều sống trên đảo và có rất nhiều điểm chung khác”.

Những ngôi nhà trên hòn đảo Magdalen không chỉ nhiều màu sắc, mà một số còn được làm từ vật liệu lấy từ chính các con tàu đắm. Ví dụ như căn nhà ở vùng Old Harry của Rhoda Clark, cô của Nancy, được tổ tiên xây dựng từ những mảnh tàu vỡ, khi sống sót sau vụ đắm tàu Miracle vào tháng 5/1847. Nhà thờ “St Peters bên bờ biển”, cũng thuộc vùng Old Harry, được xây dựng từ những mảnh vỏ tàu, nay đã bước sang tuổi 100.

Người bảo vệ bờ biển Charles Cormier chia sẻ, dù không có tổ tiên sống sót sau các vụ đắm tàu, ông vẫn có một niềm đam mê với những con tàu ấy. Ông đã lặn biển hơn 37 năm nay để tìm những mảnh vỡ sót lại của các con tàu dưới đáy biển.

Rất nhiều tàu đắm ở Magdalen nằm dưới đại dương đã bị phân hủy, chỉ còn lại những mảnh gỗ. Nhưng một số tàu khác vẫn có thể nhìn thấy được từ bờ biển, như tàu Corfu Island, của một thương nhân Hy Lạp tên Aristotle Onassis, bị đánh chìm ngoài khơi Magdalen vào năm 1963, thân của nó mắc kẹt ngay bên bờ cát.

Ông Cormier nói: “Mọi người trên tàu đều được cứu sống. Vì con tàu này chở số lượng lớn sơn màu xanh lá, nên người dân trên đảo đã lấy chúng để sơn nhà mình. Đó là lý do Magdalen có nhiều căn nhà màu xanh đến vậy”.

Quần đảo có thời tiết rất khắc nghiệt, bão có thể ập tới bất cứ lúc nào, dù trời đang nắng chói chang. Vùng biển xinh đẹp bỗng chốc biến thành nơi đầy nguy hiểm, nhất là trong mùa đánh bắt, khi ngư dân phải ở trên biển tới 12 tiếng mỗi ngày.
Nancy Clark chia sẻ, thời tiết mùa đông rất khắc nghiệt, có gió mạnh và cực lạnh lẽo. Dù vậy, mùa hè thời tiết khá đẹp, vùng biển thanh bình, bầu trời quang đãng.

Hiện nay, quần đảo Magdalen đang bị đe dọa nghiêm trọng, 70% bờ biển có nguy cơ bị nhấn chìm, làm giảm 0,75 m đường bờ biển mỗi năm. Nhiều cư dân phải di chuyển nhà của họ ra khỏi những nơi này trong vài năm gần đây.
Tuy nhiên, Magdalen đã có những thay đổi tích cực. Thuyền trưởng Edward Boxer sống sót sau đắm tàu đã xây ngọn hải đăng đầu tiên vào năm 1870 trên khu vực Bird Rock, cách vùng Grosse-Île 32 km về phía đông bắc.

Giờ đây, nhờ 6 ngọn hải đăng cùng với nhiều bản đồ chi tiết, GPS, và tàu thuyền hiện đại, quần đảo Magdalen trở nên an toàn hơn cho những người đi thuyền và cho những người dân sinh sống ở đây.

Theo BBC

Ảnh: Uladzimir Taukachou

Thu Thảo

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net