Thứ ba, 19/3/2024
Thứ bảy, 6/5/2017, 20:55 (GMT+7)

Nỗi đau không lời của những con vật mua vui cho du khách

Với người yêu động vật, cơ hội được đến gần những con thú hoang dã là một ký ức tuyệt đẹp. Nhưng với con vật, chúng đang sống những ngày tồi tệ hơn cả ác mộng chỉ để du khách có được trải nghiệm đáng nhớ đó.

Hổ

Tổ chức bảo vệ động vật PETA vừa công bố kết quả điều tra về mặt tối trong cuộc sống của những con thú hoang dã trong ngành công nghiệp du lịch trên khắp thế giới.
Hổ là loài động vật được sử dụng nhiều nhất để thu hút du khách ở một số nước như Trung Quốc, Thái Lan. PETA cho biết, những con vật này phải chịu sự huấn luyện khắc nghiệt của người nuôi thú, thậm chí bị đánh, chụp thuốc mê, thuốc phiện... để chúng trở nên ngoan ngoãn, an toàn với du khách. Tuy nhiên, bản năng hoang dã của chúng luôn tồn tại. Do vậy, trên thế giới mỗi năm vẫn xảy ra nhiều vụ hổ vồ du khách.
Đại diện của công viên hổ Tiger Kingdom ở Thái Lan mới đây đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc dùng thuốc phiện để thuần dưỡng hổ. Họ khảng định luôn đặt lợi ích của những con hổ lên vị trí hàng đầu. Ảnh: EPA.
 

Cá heo

Tại Mỹ và các nước ở vùng biển Carribbean, show Bơi cùng cá heo là một hoạt động rất được du khách yêu thích.

Tuy nhiên PETA đã chỉ ra rằng, để có được những trải nghiệm thú vị phục vụ du khách, cá heo đã bị tách khỏi gia đình và môi trường tự nhiên, nuôi nhốt trong các bồn tắm chật hẹp. Ngay cả khi mệt mỏi hay đau đớn, chúng vẫn bị bắt thực hiện các động tác nhào lộn hay bị giữ lại để du khách chạm vào, chụp ảnh. Việc bị nuôi nhốt cũng khiến loài vật này bị điên vì quá căng thẳng.

Tháng 8/2016, chính quyền Hawaii đã đề xuất luật cấm các show Bơi cùng cá heo. Tuy nhiên, dịch vụ hút khách này vẫn được nhiều nơi khác tận dụng triệt để nhằm thu lợi nhuận.

Các nhà tổ chức show này khẳng định, các con vật được làm quen với con người ngay từ khi sinh ra. Chúng tương tác với con người trên cơ sở tự nguyện và không bao giờ bị ép làm trò mua vui cho du khách nếu người huấn luyện nhận thấy các biểu hiện mệt mỏi. 

Tuy vậy, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, một con cá heo trong môi trường tự nhiên một ngày dành 80% thời gian bơi trong nước, quãng đường chúng bơi tối thiếu là 64 km. Đây là điều mà không một con cá heo bị nuôi nhốt nào có thể có được. Ảnh: Shutterstocks.

Cá heo biểu diễn phục vụ du khách
 
 

 

Cá kình (cá voi sát thủ)

Orca shows là một trong những dịch vụ sử dụng động vật hoang dã thu hút đông đảo du khách trong một thời gian dài. Những con cá kình bị tách khỏi môi trường biển, nuôi nhốt trong những bể xi măng chật hẹp. Chúng bị ép làm các động tác nhào lộn, diễn xiếc để mua vui cho du khách, đổi lại sẽ được cho đồ ăn. Cá kình bị sử dụng trong các shows này có tuổi thọ bằng một nửa những con sống trong tự nhiên, do chúng bị căng thẳng và cô đơn thời gian dài.

Sau nhiều thập kỷ bị những người yêu động vật lên án kịch liệt, tháng 4/2016, công viên giải trí SeaWorld ở Florida, Mỹ tuyên bố dừng hẳn show Orca. Những con cá kình được trả về với biển. Đại diện của công viên cho biết thế giới đang thay đổi, và họ cũng phải thay đổi tư duy của mình dù Orca shows đang là show mang lại nhiều lợi nhuận nhất.

Voi

Những con voi bị bạo hành trong ngành công nghiệp du lịch là một vấn đề nhức nhối và từ lâu đã bị PETA lên án kịch liệt. Để du khách có được trải nghiệm cưỡi voi đi dạo trong thiên nhiên, những con vật này đã bị tách khỏi mẹ từ khi còn rất nhỏ.

Và chúng phải chịu cảnh xiềng xích, trói bằng dây thừng 14 tiếng mỗi ngày để huấn luyện, nhằm phục vụ du khách. Những con vật này thậm chí còn bị đe dọa, bị đánh và trừng trị bởi quản tượng nếu chúng không nghe lời.

Tinh tinh

Một trong những nội dung hút khách nhất tại công viên Schwaben ở Đức là show diễn của tinh tinh. Các con vật bị buộc phải thực hiện các động tác nhào lộn, đi trên dây xích... Khi không phải làm việc, những con vật này đều bị nhốt trong chuồng chật hẹp. Chúng đều có biểu hiện của sự trầm cảm như chán nản, lo lắng, 

Ngựa

Để du khách có được những chuyến dạo chơi lãng mạn trên yên ngựa hay ngồi trong các cỗ xe ngựa, loài vật này cũng phải chịu đựng nhiều đau đớn. 

Ngoài việc phải hoạt động trong môi trường cực nhọc, vất vả, thời tiết khắc nghiệt, chúng cũng phải đối mặt với việc bị suy hô hấp. Các móng chân cuả chúng cũng bị đau đớn do phải đi bộ nhiều giờ trên mặt đường xi măng cả ngày.

Đại diện của công viên Royal ở London, Anh, nơi cung cấp hoạt động cưỡi ngựa, cho biết cô không khẳng định những con ngựa phục vụ du lịch ở nơi khác đều được sống trong môi trường tốt nhất. Tuy nhiên, tại Royal, việc bảo vệ sức khỏe và chăm sóc ngựa luôn được đặt lên hàng đầu. Chúng có bác sĩ thú ý kiểm tra định kỳ và có thợ đóng móng riêng và tình trạng của các con vật đều rất tốt.

Sư tử

Tại một số nước ở châu Phi (như Nam Phi), du khách chỉ cần trả tiền là có thể tham gia vào chuyến săn bắn sư tử. Phần lớn tour này đều diễn ra trên các vùng đất tư nhân. Những con vật này đều bị tách khỏi mẹ từ nhỏ, nuôi nhốt trong chiếc cũi chật hẹp. Chúng sẽ phải dành cả phần đời ở đây. Cơ hội duy nhất để chúng thoát khỏi nơi này là cái chết: hoặc bị làm mồi săn của du khách, hoặc chết vì bệnh tật. Giá của một tour săn sư tử khoảng 8.000 -16.000 USD.

Lợn

Mỗi năm, hàng triệu du khách lại đổ xô về Bahamas để có cơ hội bơi và chơi đùa với những con lợn được thuần dưỡng tại đây. 

PETA cảnh báo rằng đảo lợn này không phải là thiên đường cho những con lợn, vì làn da mỏng của chúng có thể bị đốt cháy dưới ánh mặt trời gay gắt khi liên tục phải đứng dưới nắng ngày này qua ngày khác.

Nhiều con lợn đã chết do bị du khách cố tình cho uống rượu và đồ ăn không có lợi cho sức khỏe.

Bò tót

Các trận đấu bò tót ở Tây Ban Nha là một trong những nét văn hóa truyền thống nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách của nước này. Tuy nhiên, các trận đấu luôn bị nhiều người chỉ trích vì mức độ tàn bạo, nguy hiểm của nó.

"Những con bò trong trận đấu sẽ bị khiêu khích, bị kích động bởi đám đông và người đấu bò. Sau đó, chúng sẽ bị đâm nhiều lần đến khi gục hẳn. Chúng tôi gọi đây là tội ác, không phải trò giải trí", một thành viên của PETA tại châu Âu cho biết.

Lễ đội đua bò tót Tây Ban Nha
 
 

 

Những con vật trong sở thú

Nhiều người yêu động vật đã kêu gọi du khách trên thế giới tẩy chay vườn thú. Họ cho rằng, chính vì còn nhiều người hứng thú ngắm nhìn các con vật hoang dã nên vẫn còn nhiều con thú phải chịu cảnh nuôi nhốt trong môi trường khắc nghiệt, bị bỏ đói, bị bạo hành. 

Nhiều con vật trong các sở thú thậm chí đã bị trầm cảm và có dấu hiệu bất ổn về tinh thần cũng như thể chất.

Ảnh: Shutterstocks.

Anh Minh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net