Thứ tư, 17/4/2024
Thứ năm, 2/4/2015, 15:00 (GMT+7)

Những tháp truyền hình cao nhất thế giới

Đứng đầu danh sách này là Tokyo SKytree của Nhật Bản, các thứ tự tiếp theo thuộc về Canton Tower, CN Tower, tháp Ostankino ...

Tokyo Skytree là tháp truyền hình của Nhật Bản, có chiều cao 634 m và được làm bằng thép. Mở cửa từ năm 2012, ngoài nhiệm vụ phát thanh Tokyo Skytree còn là một nhà hàng, trạm quan sát ở khu Sumida, Tokyo. Tính đến nay, đây là tòa tháp truyền hình cao nhất thế giới.

Du khách có thể mua vé tham quan hai nơi là Tembo Deck (ở độ cao 350 m) và Tembo Galleria (ở độ cao 450 m). Tùy theo độ tuổi giá vé dao động từ 310 đến 2570 yên (56.000 - 466.000 đồng). Giờ mở cửa là 8h - 21h (trừ các ngày đặc biệt như lễ hội pháo hoa sông Sumida và đêm giao thừa).

Trung Quốc sở hữu tòa tháp truyền hình Canton Tower cao thứ hai thế giới (600 m) mở cửa năm 2010. Đây là một công trình đa tính năng nằm tại tỉnh Quảng Đông gồm các nhà hàng, quán game, các khu triển lãm, phòng họp, khu mua sắm hay rạp chiếu phim 4D.

Tháp có 108 tầng với phía trên cùng là một khu quan sát. Trẻ em cao từ 1,2 m trở lên có thể mua vé vào Canton Tower, mức giá vào khoảng 75 - 150 tệ (263.000 - 526.000 đồng). Du khách có thể tham quan từ 9h đến 22h30, tùy vào từng khu vực.

CN Tower nằm tại Toronto, Canada có chiều cao 553,33 m. Tòa tháp mở cửa năm 1976 bao gồm các hạng mục như nhà hàng, quán cà phê, khu mua sắm, phòng họp... Năm 2011, công trình này mở cửa điểm du lịch nổi tiếng Edge Walk, nơi bạn được tham gia trò chơi mạo hiểm đi bộ trên mép tòa nhà. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể lên ba đài quan sát là Look Out, Glass Floor, SkyPod từ 9h - 22h30 hàng ngày để chiêm ngưỡng thành phố.

Giá vé cho người từ 13 đến 64 tuổi là 29 USD, trên 65 và dưới 13 tuổi là 22 USD. Tháp đóng cửa vào lễ Giáng sinh.

Tháp Ostankino có độ cao 540 m, được mệnh danh là vẻ đẹp của thành phố Moskava, Nga. Công trình này mở cửa năm 1967 và ngay lập tức giữ vị trí quán quân trong gần một thập kỷ đến khi tháp CN được xây dựng. Năm 2000, hỏa hoạn xảy ra khiến tháp phải đóng cửa để sửa chữa. Tới năm 2008, công trình này đã mở cửa trở lại cho khách tham quan từ 10 đến 21h hàng ngày.

Giá vé một người lớn là 11,5 USD, trẻ em là 6,2 USD.

Oriental Pearl hay Minh Châu Phương Đông cao 468m, có 14 tầng nằm tại Thượng Hải, Trung Quốc. Công trình này mở cửa lần đầu vào năm 1994 với ba tầng quan sát cùng nhà hàng xoay ở độ cao 276 m, khách sạn trong quả cầu và các phòng triển lãm, trung tâm mua sắm.

Tháp mở cửa cho khách tham quan từ 8h30 đến 21h30 hàng ngày với giá vé 19 USD một người. Ngoài khu vực đài quan sát, bạn có thể tới thăm quan bảo tàng lịch sử Thượng Hải (giá vé 5,6 USD một người).

Tháp Milad xây dựng vào năm 2007 tại Tehran, Iran. Công trình này có độ cao 435 m gồm trung tâm hội nghị, thương mại, khách sạn quốc tế, bảo tàng tiền xu, triển lãm nghệ thuật và các nhà hàng, quán cà phê. Tháp mở cửa từ 9h đến 21h hàng ngày.

Giá vé từ 8 USD trở lên tùy độ tuổi.

Tòa tháp KL mở cửa năm 1996 tại Kuala Lumpur, Malaysia có độ cao 420 m. Đài quan sát mở cửa 9h - 22h hàng ngày, còn có thể thưởng thức các món ngon quốc tế và địa phương tại nhà hàng xoay ở độ cao 282 m.

Phí vào tầng quan sát của người lớn là 14 USD và khoảng 8 USD với trẻ em.

Tháp Thiên Tân có độ cao 415 m, mở cửa vào năm 1991. Đây là niềm tự hào của thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. Gống nhiều tòa tháp truyền hình khác, ngoài đài quan sát phục vụ khách tham quan, công trình này cũng tích hợp hệ thống nhà hàng, cửa hàng.

Phí tham quan là 8 USD một người.

Central Radio and TV Tower mở cửa cho khách tham quan vào năm 1992 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Công trình này có độ cao 405 m và là một trong những đài quan sát hấp dẫn du khách. Bạn có thể tới đây để chiêm ngưỡng thành phố từ 8h30 đến 22h hoặc thưởng thức các bữa ăn đẳng cấp tại nhà hàng bên trong vào 11h - 14h và 17h - 22h hàng ngày.

Giá vé tham quan là 11 USD.

Hương Chi - Diệu Huyền

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net