Thứ bảy, 11/5/2024
Thứ năm, 28/11/2013, 08:18 (GMT+7)

Những bộ tộc đang dần biến mất

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Jimmy Nelson dành 3 năm để đi vòng quanh thế giới, đến thăm 31 bộ tộc du canh du cư có lối sống độc đáo.

Chiến binh Maasai, Kenya và Tanzania

Những người Maasai có lối sống bán du căn du cư trên vùng đất hoang mạc và bán hoang mạc Đông Phi (nam Kenya và bắc Tanzania). Họ cư trú trải trên diện tích khoảng 160.000 km2 với số lượng gần 1 triệu người. Sinh ra là người Massai có nghĩa là họ đang sống trong một trong những bộ lạc có nền văn hóa chiến binh mạnh mẽ nhất. Từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, các cậu bé trai Maasai học để trở thành người đàn ông của bộ lạc và là một chiến binh. Người Maasai nổi tiếng với vũ điệu adumu do đàn ông biểu diễn. Họ giữ lưng thẳng, bật cao bằng đầu gối để thể hiện sức mạnh và khả năng chịu đựng.

Nenet, Nga

Người Nenet ở Siberian gần Bắc Cực là bộ lạc di cư bằng những bầy tuần lộc. Cung đường của họ thường đi qua bán đảo Yamal, nơi dòng sông Ob và rặng núi Ural gặp gỡ tại bờ biển cực bắc địa cầu. Người Nenet đã liên tục tồn tại hơn một thiên niên kỷ tại nơi khắc nghiệt bậc nhất thế giới (mùa đông -50 độ C và mùa hè 35 độ C). Mỗi năm họ đi hơn 1.000 km vào mùa di cư để đưa những bầy tuần lộc đông đúc từ cánh đồng cỏ mùa hè ở phương bắc đến những đồng cỏ mùa đông ở phía nam vòng bắc cực (Arctic Circle - vĩ tuyến 66,50). Ngày nay có khoảng 10.000 người đang sở hữu tổng cộng 300.000 con tuần lộc.

Mursi, Ethiopia

Người Mursi chủ yếu sống trong khu vực hạ thung lũng Omo ở tây nam quốc gia Ethiopia. Với dân số chỉ khoảng 4.000 người, họ là bộ tộc di cư chuyên chăn nuôi gia súc và đang phải vật lộn với cuộc sống trong những thập kỷ trở lại đây. Hạn hán lan rộng khiến mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn cho việc trồng trọt và chăn thả. Việc thành lập những công viên quốc gia, hàng rào và đường xá được xây dựng cũng khiến diện tích đất của họ  bị thu hẹp hơn bao giờ hết.

Drokpa, Ấn Độ và Pakistan

Khoảng 2.500 người Drokpa hiện sống trong 3 ngôi làng ở thung lũng Dha - Hanu thuộc vùng Ladakh, nằm giữa Jammua và Kashmir, khu vực tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan.

Người Drokpas có diện mạo khác hẳn người Tạng - Miến cũng sống tại Ladakh. Họ cao và khuôn mặt ưa nhìn, mắt to và sáng, môi dày, mũi thẳng và lông mày đậm rất dễ phân biệt. Các nhà lịch sử học đã xác định người Drokpa là hậu duệ của bộ tộc Aryans có nguồn gốc từ Ấn Độ. Người Drokpa vốn có truyền thống hôn nhau giữa đám đông và đổi vợ một cách thoải mái mà không gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa mọi người. Từ khi phong tục này bị các nhà cầm quyền ngăn cản, người Drokpa ngày nay chỉ duy trì điều này trong nội bộ cộng đồng mà không cho người ngoài biết.

Ni-Vanuatu, Vanuatu

Những người Ni-Vanuatu là bộ tộc chính của cộng hòa Vanuatu. Chuỗi 83 hòn đảo ở Tây Nam Thái Bình Dương này từng được gọi là Tân Thế Giới, giành lại độc lập từ người Anh và Pháp năm 1980. Espiritu Santo là đảo lớn nhất trong quần đảo. Ngày nay, tất cả các đảo có người sinh sống đều sở hữu trang phục, truyền thống và ngôn ngữ riêng (khoảng hơn 100 thứ tiếng).

Ladakhi, Ấn Độ

Người Ladakhi sống tại Ladakh (có nghĩa là vùng đất của những người đã khuất) trong những thung lũng lòng chảo của bang Jammu và Kashmir, miền bắc Ấn Độ. Bao quanh những mái nhà của họ là núi non cao ngất trời thuộc rặng Himalya và Karakhoram.

Một người phụ nữ Ladakhi thuần khiết ăn mặc rất cầu kỳ và toát lên vẻ giàu có. Váy áo làm từ lụa Trung Quốc cao cấp, đeo trên cổ và tai là những trang sức rất ấn tượng như ngọc trai, ngọc lam, san hô và đá hổ phách.

Rabari, Ấn Độ

Trong khoảng 1.000 năm qua, người Rabari đã có mặt trên khắp sa mạc và đồng bằng Tây Ấn. Ngày nay, họ định cư nhiều nhất ở bang Gujarat và Rajasthan. Người Rabari được cho là có nguồn gốc từ bình nguyên Iran di cư từ hơn một thiên niên kỷ trước đến Ấn Độ.

Cái tên Rabari có nghĩa là “người từ bên ngoài”. Họ vốn có truyền thống chăn thả lạc đà, đi qua những sa mạc bất tận mà các bộ tộc khác ít đặt chân đến. Hiện chỉ còn khoảng 1-2% dân số Rabari còn giữ công việc này, còn lại họ chủ yếu sống bằng nghề nuôi gia súc. Phụ nữ mặc bộ quần áo lobadi có khăn trùm đầu và dễ dàng nhận ra nét đặc trưng là những đôi bông tai bằng thau nặng, hình xăm kỳ bí trên cổ, ngực, tay.

Huli, Papua New Guinea

Quốc gia Papua New Guinea giữ một nửa hòn đảo New Guinea (đảo lớn thứ hai trên thế giới) giành độc lập từ Australia năm 1975. Người bản xứ của đất nước này gồm rất nhiều bộ tộc khác nhau sống rải rác trong những cánh rừng cao nguyên. Người Huli vẽ mặt với màu sặc sỡ như vàng đỏ và trắng. Họ để tóc dài rồi tết thành hình chiếc nón có vành, trang trí trên đó là vô số lông vũ phức tạp.

Gaucho(s), Argentina

Những cánh đồng Argentina trải dài với cỏ, hoa và thảo dược, đó là nhà của những gaucho - người chăn bò Nam Mỹ. Họ bắt đầu đi từ cánh đồng này sang cánh đồng khác từ những năm 1700. Kiến thức sâu rộng về đất đai và đặc biệt là khả năng cưỡi ngựa thuần thục đã khiến họ trở thành những kị binh quan trọng trong cuộc chiến giành độc lập (1810 – 1816) và nội chiến sau đó.

Cuộc sống của những tay chăn bò trở nên khó khăn từ thế kỷ 19. Những trại nuôi gia súc theo kiểu công nghiệp bắt đầu xuất hiện, đồng cỏ bị hạn chế bởi những hàng rào phân chia đất đai. Qua thời gian, những gaucho thế hệ cũ đành từ bỏ lối sống nay đây mai đó để làm việc cố định cho các chủ đất.

Lopa, Mustang, Nepal

Mustang (trong tiếng Tây Tạng là mun tang, có nghĩa là đồng bằng màu mỡ) từng là vương quốc Lo ngày xưa nằm trên một bình nguyên cao lộng gió giữa tây bắc Nepal và Tây Tạng. Vùng đất xa xôi này thường phải mất cả tuần đi bộ từ những trạm trung chuyển mới có thể đến được.

Mặc dù Mustang gắn kết với tôn giáo, văn hóa và lịch sử Tây Tạng nhưng về mặt chính trị lại thuộc quản lý của Nepal. Khi làn sóng du lịch đổ vào Tây Tạng và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống dưới chân dãy Himalaya, Mustang như vùng đất duy nhất còn lưu giữ lại văn hóa Tây Tạng một cách trọn vẹn. Người Lo của vương quốc Mustang được gọi là Lopa, nói phương ngôn của tiếng Tạng và theo Phật giáo Tây Tạng.

Jimmy Nelson năm nay 46 tuổi, sinh ra ở Sevenoaks, Kent, Anh và bắt đầu theo đuổi nhiếp ảnh từ năm 1987. Trong quá trình tìm hiểu về các bộ lạc, ông đã chứng kiến những buổi lễ hiến tế, chụp lại những bộ quần áo truyền thống, trang sức, vũ khí và biểu tượng của họ... Tất cả những khoảnh khắc ấy được tập hợp trong quyển sách Before They Pass Away – Trước khi họ biến mất.

Trên đây là 10 tấm ảnh khắc họa chân dung của các bộ tộc trên khắp các châu lục.

Hoài Nam (theo theguardian)

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net