Thứ ba, 19/3/2024
Thứ tư, 29/7/2015, 05:05 (GMT+7)

Ngôi chùa nổi tiếng với những pho tượng đất nung

Chùa Nôm ngự ở làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm thuộc thiền phái Lâm Tế. Chùa trước đây là ngôi đại tự hoành tráng thuộc miền Kinh Bắc, nay là tỉnh Hưng Yên.

Cổng tam quan của chùa Nôm hiện nên với nét đẹp của kiến trúc cổ kính. Theo truyền thuyết, xưa kia chùa Nôm được xây giữa rừng thông cổ thụ nên có tên “Linh thông cổ tự”.

Bước qua tam quan là lầu chuông và lầu trống nằm đối xứng hai bên. Cạnh lầu chuông là một hồ nước trong xanh như mở ra không gian tĩnh mịch cho ngôi chùa. Ngày ngày tiếng chuông được thỉnh lên như một âm vang trong trẻo điểm xuyết vào sự yên bình của ngôi chùa cổ.

Lầu Quan Âm nằm ở giữa hồ nước như một đài sen nguy nga với cây cầu đá dẫn lối vào với cây cầu đá hình cánh cung mô phỏng cây cầu Nôm cổ.

Phía trước cầu là hai tháp Cửu phẩm liên hoa bằng đồng tạo thành một cụm kiến trúc thống nhất.

Các pho tượng cổ tại chùa Nôm mang khuôn mặt và hình dạng có sức biểu cảm cao, giống với các trạng thái cảm xúc của con người. Từ trang phục đến trạng thái của các pho tượng cổ đều mang nét dân dã, thuần Việt, rất gần gũi với đời sống con người.

Dọc hai bên mỗi hành lang có đến 20 pho tượng lớn nhỏ, với các trạng thái mô tả con đường hành Phật. Các pho tượng đều ngồi, đứng trên một giá đỡ bằng đất với đủ các dáng hình mập, ốm, hiền lành, dữ tợn, dân dã, thần tiên…và nhiều kích cỡ khác nhau. Có những pho tượng nhỏ xíu chỉ bằng nắm tay, ngược lại cũng có pho tượng khổng lồ.

Tượng Nam tào trên Đại hùng Bảo Điện.

Vườn mộ tháp bằng đá ong. Dù chùa đã trải qua mấy lần đổ nát, trùng tu, song những tháp đã vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt".

Giếng đá cổ bên hông chùa.

Tháng 9/1998, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm Đại Đức Thích Đồng Huệ về trụ trì tại chùa. Từ đó đến nay, Đại Đức đã cùng nhân dân xây dựng lại ngôi chùa ngày càng khang trang, phù hợp với cảnh quan và quần thể di tích tại ngôi làng cổ.

Chùa nằm trong một quần thể di tích lịch sử gắn liền với quá trình thành lập làng Nôm. Đó là cây cầu đá gồm 9 nhịp đầu rồng đã mấy trăm năm nay soi bóng xuống dòng sông Nguyệt Đức, nâng bước chân thiện nam tín nữ đến với chùa. Chiếc cầu đá bắc qua bờ sông này đã tồn tại trên 200 năm.

Lê Bích

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net