Thứ ba, 19/3/2024
Thứ bảy, 22/4/2017, 02:08 (GMT+7)

Làng bát quái vào dễ, ra khó ở Trung Quốc

Bát Quái Gia Cát được xây dựng theo Bát trận đồ của Khổng Minh, với các ngõ ngách đan xen tạo thành một mê cung khiến người lạ vào đây luôn bị mất phương hướng.

Nằm phía tây thành phố Lan Khê, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, làng Bát Quái Gia Cát được xây dựng với lối kiến trúc đặc biệt theo Bát trận đồ của Khổng Minh. Nơi đây được mệnh danh là "Trung Quốc đệ nhất kỳ thôn", với các ngõ ngách đan xen tạo thành một mê cung huyền bí. Ảnh: China Travel.

Ngôi làng được thiết kế và xây dựng bởi Gia Cát Đại Sư, cháu đời thứ 28 của Gia Cát Lượng. Ông lấy Hồ Chuông mang hình ảnh thái cực với hai nửa âm dương rõ rệt làm trung tâm, nối với tám con ngõ nhỏ hướng ra bên ngoài tạo thành tám cung Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, Càn tương ứng. Ảnh: Jinhua.

Trải qua nhiều thế kỷ, dân số ngày càng tăng nhưng cấu trúc của thôn vẫn không hề thay đổi. Trong số 5.000 người đang sinh sống, có tới 4.000 người mang họ Gia Cát. Ảnh: China Travel.

Điểm đặc biệt tại đây chính là các ngôi nhà không xây đối diện nhau mà đan xen so le để tránh trường hợp "cổng đối cổng". Theo quan niệm của người dân làng Bát quái, việc xây như vậy sẽ giúp họ tránh được những mâu thuẫn không đáng có. Ảnh: China Travel.

Bên cạnh đó, người dân còn áp dụng phong cách Tứ hợp viện trong xây dựng nhà cửa, tức là bốn mặt đóng kín, phía trước nhà cao hơn phía sau. Như vậy mỗi lần trời mưa, nước sẽ tập trung lại ở giữa sân, mang ý nghĩa tài lộc và may mắn tích tụ trong gia đình. Ảnh: Zhuge Bagua Village.

Giữa những ngôi nhà có rất nhiều ngõ ngách nhỏ, khúc khuỷu quanh co, thể hiện tính chất của Bát trận đồ, vào dễ ra khó. Chính vì thế, du khách tới đây thường được khuyên mang theo la bàn. Ảnh: Sina.

Cuộc sống trong làng rất thanh bình và yên ả, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Ảnh: China Travel.

Bất chấp thiên tai và chiến tranh xảy ra trong nhiều thế kỷ, ngôi làng hiện vẫn bảo tồn được những giá trị nguyên bản. Năm 1996, Bát Quái Gia Cát được Hội đồng Nhà nước công nhận là khu di tích lịch sử-văn hoá quan trọng của quốc gia. Ảnh: China Travel.

Theo: China Travel.

Hải Thu

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net