Thứ năm, 28/3/2024
Thứ sáu, 25/11/2016, 14:05 (GMT+7)

Khách Tây thích thú leo núi mạo hiểm ở Ngũ Hành Sơn

Bám vào sợi dây an toàn, các khách Tây đến danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) rất thích thú khi được thử cảm giác mạo hiểm với trò leo núi ở động Vân Thông hay thả từ đỉnh núi xuống độ cao 25m.

UBND TP Đà Nẵng vừa cho phép một công ty du lịch mạo hiểm triển khai thí điểm leo núi tại động Vân Thông và ngọn Thủy Sơn. Hiện tại, nhiều tour leo núi đã được triển khai. Trước khi trải nghiệm, người chơi được hướng dẫn viên truyền đạt các kỹ năng cần thiết.

Sau đó mỗi người chơi được tập luyện ở địa hình những tảng đá thấp. Trong đó, kỹ năng cơ bản nhất là nghiêng người và từ từ thả tay ra khỏi dây, kết hợp với đôi chân nhún vào các vách đá tạo lực.

Các du khách sau đó leo lên đỉnh ngọn Thủy Sơn để bắt đầu trải nghiệm leo núi. Anh Nguyễn Châu Việt Thảo, hướng dẫn viên leo núi, cho biết trước khi đưa vào hoạt động môn thể thao này, công ty đã khảo sát địa hình và thuê các chuyên gia về địa chất khoan các móc cố định vào đá để làm nơi cột dây.

Người chơi leo núi khi trải nghiệm sẽ được níu cùng lúc bằng hai sợi dây. Trong đó một sợi do người chơi chủ động thả ra, nắm lại để xuống các vách đá. Sợi còn lại do hai hướng dẫn viên ở đỉnh núi và dưới mặt đất điều khiển, đề phòng khi khách bị lạc tay hướng dẫn viên sẽ giữ dây lại để đảm bảo an toàn. Tư thế tay cầm dây của người leo núi là tay trái cầm nút thắt phía trước bụng, tay phải nắm, nhả sợi dây phía bên hông, người nghiêng vuông góc với vách đá.

Theo Việt Thảo, điểm khó nhất của môn chơi này là lúc du khách bắt đầu nghiêng người xuống phía dưới của động hay vách núi. Hiện tại, trải nghiệm leo núi đang được thực hiện ở 3 vị trí ở động Vân Thông, và hai vách núi từ ngọn Thủy Sơn xuống độ cao khoảng 25m.

Những hướng dẫn viên ở trên đỉnh phải là người có kinh nghiệm để hướng dẫn cho người chơi, đồng thời có kỹ năng động viên tinh thần, nhắc nhở khách làm đúng thao tác.

Trước khi xuống những vách đá mạo hiểm, du khách được hướng dẫn viên nhắc nhở việc thả dây và tiếp đất bằng chân nhịp nhàng. Tất cả giao tiếp bằng tiếng Anh.

Bên trong động Vân Thông, nhiều khu vực thiếu ánh sáng nên người chơi phải thận trọng quan sát trước khi thả dây khỏi tay và đạp chân vào cách vách đá để tiếp đất. Phía dưới động, một hướng dẫn viên túc trực để giữ chặt sợi dây dự phòng và đỡ cho khách khỏi ngã. "Dù tour một người chơi cũng phải có hai hướng dẫn viên ở trên đỉnh và dưới đất mới đảm bảo an toàn", hướng dẫn viên Lê Hồng Quân cho biết.

Mỗi khi tour đông khách, những người chơi được chia làm hai đội để leo núi đồng thời ở động Vân Thông và từ ngọn Thủy Sơn xuống dưới. Hướng dẫn viên có nhiệm vụ kiểm tra kỹ lưỡng các đoạn móc, nối dây trước khi cho du khách thực hiện các thao tác leo núi.

Vách đá này cao 25m, với nhiều mỏm đá nhô ra tạo cho du khách cảm giác mạo hiểm hơn nhưng đòi hỏi người chơi tuân thủ đúng các nguyên tắc để đảm bảo an toàn.

Ngoài tư thế tay cầm dây, người chơi cần biết đạp chân nhún đúng những vách đá có mặt phẳng tốt để bật người tránh khỏi những vách đá nguy hiểm.

Sáng 24/11, trời có mưa nhỏ. Theo các hướng dẫn viên, trừ khi trời mưa lớn, vách đá trơn trượt người chơi mới phải dừng lại.

Vách đá tự nhiên ở động Vân Thông và ngọn Thủy Sơn chính là yếu tố thu hút khách du lịch đến với môn chơi này. Vé hiện tại cho mỗi người chơi là 57 USD. "Chủ yếu khách Tây tham gia leo núi, phần vì chi phí, phần vì ưa thích cảm giác mạo hiểm", Việt Thảo nói thêm.

Cảm giác được thả người lơ lửng trên không trung giữa những vách đá hiểm trở đã tạo cho du khách sự thích thú. "Tôi thấy vui khi mình chinh phục được ngọn núi, và tiếp đất an toàn", anh Enit (Đan Mạch) cho biết.

Nhiều du khách khi tham gia môn thể thao này đã phải thả người lơ lửng giữa không trung. Dĩ nhiên, họ được các hướng dẫn viên giữ chặt sợi dây dự phòng và tiếp đất an toàn.

Sợi dây chuyên dụng cho khách leo núi được nhập theo chuẩn của châu Âu, có thể chịu được tải trọng lên đến 2 tấn. Các hướng dẫn viên trước khi hướng dẫn cho khách phải trải qua khóa huấn luyện của các thầy ở nước ngoài, lấy được bằng leo núi cấp độ 2 do Tổ chức leo núi quốc tế ở Singapore cấp. Mỗi khi khách tiếp đất, hướng dẫn viên phải phối hợp nhịp nhàng, kéo căng sợi dây để khách khỏi va vào những tảng đá phía dưới.

Khách Tây trải nghiệm leo núi mạo hiểm ở Đà Nẵng
 
 

Khách Tây leo núi ở Ngũ Hành Sơn.

Nguyễn Đông

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net