Thứ bảy, 27/4/2024
Thứ ba, 6/8/2013, 10:20 (GMT+7)

Dấu ấn hoa văn ấn tượng trên tháp Chăm Khương Mỹ

Di tích tháp Chăm Khương Mỹ thuộc thôn 4, xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam được xây dựng vào cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X bao gồm ba tháp: tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam và được công nhận là di tích quốc gia vào năm 1989.

Ba tháp được xếp theo trục Bắc - Nam, một kiểu tháp Chăm truyền thống với mặt bằng gần vuông, cửa ra vào ở hướng đông, mái tháp gồm 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên cùng có chóp tháp bằng sa thạch.

Các cửa giả của các tầng tháp đều trang trí với những hình lá đề có chi tiết với những cành lá cách điệu hình ngọn lửa. Một số tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu đất nung gắn vào thân tháp có hình chim thần Garuda, rắn Naga, người cưỡi voi, người cưỡi ngựa, các chiến sĩ bay...

Bên trong tháp trống trơn, chỉ có rêu xanh phủ đầy ở những nơi mà ánh sáng có thể lọt vào.

Hơn 1.000 năm, trải qua bao cuộc chiến tranh, bao cuộc xâm lăng, bao trận mưa bão, diệt vong, những ngọn tháp như những nhân chứng vẫn đứng vững với thời gian, trầm tư, cô độc, lặng lẽ và buồn. Trong mưa, tháp càng cô độc và buồn bã hơn.

Tại Khương Mỹ, lần đầu tiên trong kiến trúc Chăm xuất hiện một số mô-típ trong nghệ thuật Khmer được điêu khắc vô cùng tinh xảo trên những bức tường và cổng tháp như những hoa văn thảo mộc, cành lá uốn cong vểnh lên ở đầu, lá có rãnh sâu; các hình thoi nối tiếp nhau được tạo thành bởi những đường chéo và các đóa hoa cách điệu, kiểu hoa văn đặc trưng của nghệ thuật Khmer cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X.

Các tháp nằm sát gần bên nhau nên các mặt bên của tháp, vốn là những mảng tường còn sót lại đẹp nhất, chưa bị mất đi nhiều chi tiết, đặc biệt được chú ý bởi những hoa văn vẫn còn khá nguyên vẹn nhưng hơi khó chụp vì vị trí đứng không được thuận lợi.

Cụm tháp này vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn “nhan sắc” như thủa sơ khai của nó từ hơn ngàn năm trước, chưa bị bàn tay con người đụng chạm hay sửa sang lại như hầu hết các cụm tháp khác, một vẻ đẹp thách thức với thời gian.

Khác với những tháp phía Bình Định trở vào Nam đã có phần nam tính, khỏe khoắn hơn, các tháp Chăm thuộc phía tỉnh Quảng Nam mềm mại và nữ tính với rất nhiều hoa văn.

Những tượng khỉ này có lẽ liên quan đến trường ca Ramayana, một pho sử thi nổi tiếng của Ấn Độ mang đậm dấu ấn Bà La Môn giáo, truyền thống văn hóa có ảnh hưởng đến người Chăm.

Cách xây dựng các tháp Chăm vẫn khiến các nhà khoa học đau đầu, người Chăm cổ đã xây dựng nên những tòa tháp bằng cách nào? Câu hỏi cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp cụ thể.

Lam Linh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net