NHỮNG CÚ VẤP TẠI VIỆT NAM
CỦA KIẾN TRÚC SƯ HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI

Công trình đầu tiên trở thành tang vật của vụ án hình sự, công trình thứ hai khiến ông đau đầu tìm lối đi phù hợp với văn hóa bản địa, cuộc chinh phục Việt Nam của Bill Bensley đã cam go từ đầu.

CÚ VẤP CỦA ÔNG HOÀNG

Khi đặt bút vẽ khu resort trên bờ vịnh Nha Trang năm 2000, Bill Bensley không biết rằng dự án ấy sẽ bị bỏ hoang trong hơn một thập niên sau đó. Đây là công trình đầu tiên ông làm ở Việt Nam.

Năm 2005, ông Nguyễn Đức Chi, chủ tịch hội đồng quản trị công ty RIT, chủ đầu tư khu resort này, bị bắt tạm giam vì tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đứa con tinh thần của Bill Bensley, khu Rusalka đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện trở thành "vật chứng của vụ án hình sự". Dự án bị chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy phép khi còn dang dở.

Sau này tòa án không đủ căn cứ buộc tội ông Chi, dự án được trả lại cho chủ đầu tư, nhưng bước chân đầu tiên của kiến trúc sư được mệnh danh là "ông hoàng resort" tại Việt Nam trở thành một kỷ niệm buồn.

Do đó Bill Bensley từ chối thẳng thừng khi Sun Group đến tìm ông lần đầu tiên.

Khu resort Rusalka bị bỏ hoang

NGƯỜI LÀM VƯỜN TỪ CALIFORNIA

Bill Bensley lớn lên trong một trang trại nhỏ ở quận Cam, California. Một trang trại hữu cơ, với đủ loại rau, cây ăn trái, gà, vịt, chim cút, và 7 cái tổ ong.

"Cha mẹ tôi rất thích làm vườn. Họ chỉ cho tôi cách để chăm sóc, bài trí một khu vườn. Và tôi yêu công việc đó. Thậm chí tôi còn được hàng xóm trả công để làm vườn cho họ", ông nhớ lại.

Hơn 30 năm sau, Bill Bensley được trả khá nhiều tiền để “làm vườn” - theo một nghĩa khác. Các chủ đầu tư trên khắp châu Á-Thái Bình Dương mời ông thiết kế cho họ những khu nghỉ dưỡng xanh mướt. Bill Bensley trở thành kiến trúc sư cảnh quan hàng đầu khu vực; hay nói theo cách của tờ Time, ông vua của các khu nghỉ dưỡng dị biệt trên thế giới.

Ông mang tinh thần của cái trang trại thơ ấu ấy đi khắp vùng Thái Bình Dương. Ở các resort Shinta Mani (Siem Riep, Cambodia) và Kittitian Hill (St.Kitts & Nevis), ông dựng lên những khu vườn đủ cung cấp rau sạch cho từ nhân viên đến khách nghỉ. Cả triệu USD một bản thiết kế, vài nghìn USD cho mỗi đêm nghỉ, nhưng Bill vẫn muốn người ta tự trồng rau ăn.

Hơn 30 năm trước, sau khi cầm tấm bằng kiến trúc đô thị ở Harvard, Bill không biết mình sẽ phải làm gì.

Người bạn Thái Lan học cùng lớp, Methar "Lek" Bunnag hỏi ông, cậu định đi đâu. Đó là người sau này trở thành kiến trúc sư huyền thoại của đất Thái Lan, và là người có ảnh hưởng lớn nhất tới sự nghiệp của Bill Bensley. Chàng trai California trả lời mình chưa biết và chỉ định "phượt châu Âu một chuyến, rồi sau đó làm gì tính sau". Bunnag bảo ông sẽ tới Singapore để giảng dạy tại đại học NUS, nếu muốn, họ có thể gặp nhau ở đó.

Bill Bensley xách ba lô đi châu Âu, và ở đó, tiêu hết sạch tiền tiết kiệm của mình. Ông chỉ còn tiền bay tới Malaysia, bắt đầu một cuộc đi bụi khác. Ông đi nhờ xe, vẽ chân dung mọi người để đổi lấy các bữa cơm. Bằng cách nào đó, cuối cùng ông cũng lết tới được bậc thềm nhà Lek Bunnag. Ở đó, ông tìm thấy một việc làm.

"Mai mun mai tum" - Bill nói - "Đó là phương châm sống của đời tôi". Câu tiếng Thái đó nghĩa là "không vui thì không làm".

Sau một thời gian làm thuê, năm 1989, ông lập công ty riêng của mình ở Thái Lan - bắt đầu hành trình của người làm vườn nổi tiếng nhất châu Á.

Nếu một dự án không làm tôi hứng thú, tôi không làm.
Tôi tin rằng nếu người ta không thể yêu thích công việc của mình,
họ sẽ không thể làm tốt nó”.

Hơn một thập kỷ sau khi bắt đầu sự nghiệp tại châu Á, Bill Bensley trở thành số 1. Ông thiết kế những khu resort đắt nhất, xịn nhất tại Thái Lan, Campuchia và Indonesia. Nhưng khi ấy cũng là lúc mà niềm vui đối mặt với một thách thức: sự chọn lọc.

Năm 2007, ở đỉnh cao sự nghiệp, Bill Bensley trở thành loại chuyên gia có thể đập tay (high-five) với nhà vua Malaysia. Lúc đó, ông đã "dắt lưng" những công trình nổi tiếng như chuỗi Four Seasons ở Thái Lan, Grand Hyatt ở Jakarta, Bangkok Sheraton Grande hay là Marriott ở Phuket.

"Tôi không cần tiền, tôi cần nhà đẹp"

Khi chủ đầu tư của InterContinental Danang Peninsula Resort tìm đến văn phòng ở Bangkok, Bill Bensley nói rằng ông đang bận rất nhiều dự án, rằng ông sẽ giới thiệu cho họ một kiến trúc sư giỏi khác, rằng nếu muốn thì phải tới sang năm mới nói chuyện được,... Sau này, ông thú nhận: "Tôi nói thế để các ông ấy về, đỡ mất thời gian".

Nhưng khi làm việc, thấy ý tưởng của người được giới thiệu không có gì nổi bật, đoàn Việt Nam đành kiên nhẫn chờ sang năm quay lại. Sau đó, là một quá trình nài nỉ Bill. Chủ đầu tư cố thuyết phục, rằng chỉ có ông mới có thể làm được công trình này, nhờ cả những người quen nói giúp. Nể quá, ông cũng đành thỏa hiệp: ông sẽ sang Việt Nam tham quan vị trí xây dựng dự án, nếu thấy thực sự có tiềm năng và đẹp thì lúc đó sẽ xem xét.

Mấy tháng sau, ông sắp lịch sang Việt Nam. Trên thuyền qua Bãi Bắc, nhìn từ xa, người ta thấy ông gật gù. Khi lên bờ, vị kiến trúc sư không nói không rằng, cởi quần áo, nhảy xuống biển, bơi một mạch sang tận chỗ có trạm kiểm lâm.

Ông hoàng resort chính thức nhận lời làm công trình thứ hai trong đời tại Việt Nam.

Nhưng, "mai mun mai tum", Bill ra điều kiện với những ông chủ: vẽ ra cái gì thì phải làm theo cái đó, không được làm dở chừng mà ngừng vì tốn kém. Ông cũng cảnh báo những gì ông làm sẽ rất đắt. "Hồi đó ham muốn làm, nên cứ thấy ông ấy đồng ý là mừng rồi, tiền nong tính sau" - những người theo đuổi dự án nhớ lại.

Trước khi bắt tay vào thiết kế khách sạn, Bill dành một năm lang thang khắp Việt Nam: Tây Bắc, Hà Nội, Huế và nhiều nơi khác, hoà mình vào cuộc sống của người dân và cảm nhận, thẩm thấu văn hoá - kiến trúc của người Việt.

Toàn cảnh InterContinental Danang Sun Peninsula Resort

Rồi kiến trúc sư người Mỹ mời nguyên một đoàn từ lãnh đạo đến công nhân công trường của tập đoàn sang Thái Lan tham quan một resort ở đảo Koh Samui, nơi có 8.000 cây dừa, và trong quá trình thi công toàn bộ khu nghỉ dưỡng đó, không có một cây nào bị ảnh hưởng. Bởi ở đó, ông tìm mọi cách để giữ nguyên từng cây. Cây không thay đổi vị trí, nhưng thiết kế của Bill thay đổi, cứ để nó mọc xuyên qua sàn gỗ, qua phòng khách, qua mái. Mỗi cây bị xâm phạm, ông phạt chủ đầu tư 1.000 USD.

Và để giữ được 8.000 cây dừa đó, việc thi công móng của toàn bộ khu nghỉ dưỡng ấy được làm hoàn toàn bằng tay.

Chỉ tính riêng căn nhà mẫu đầu tiên ở Việt Nam, Bill Bensley đã sửa mười mấy lần. Nhà mẫu làm xong rồi, ông bắt nhà thầu đập đi làm lại. Chủ đầu tư dọa không trả tiền, ông nói: "Tôi không cần tiền, tôi chỉ cần nhà đẹp".

Ở InterContinental Danang Peninsula Resort, có những cầu thang gỗ uốn lượn, nhiều người đánh giá đó là những nét kiến trúc độc đáo, nhưng thực chất đó là cách tránh một cái cây. Không muốn chặt bỏ cây, cầu thang phải đi vòng.

Để theo được các ý muốn của Bill Bensley, công ty xây dựng lớn nhất nhì Việt Nam phải học lại cách làm từng viên gạch. Viên gạch gốm ốp trên tường được ông thiết kế với kích thước và hoa văn riêng, sau đó yêu cầu đi nung. Mang ra Bát Tràng đặt hàng, các lò gốm đều từ chối, vì một lò nung mỗi lần mấy chục vạn viên, mà công trình chỉ cần mấy ngàn viên. Nếu đồng ý trả tiền cho một lần nung mấy chục ngàn viên đó họ mới làm, và như thế, tính ra, mỗi mét vuông ốp gạch cả mấy trăm đô. Cuối cùng, họ phải lặn lội vào tận Bình Dương tìm những lò gốm quy mô nhỏ để đặt hàng.

Cuối cùng, InterContinental Danang Peninsula Resort cũng mở cửa đón khách năm 2012 và liên tiếp giành giải thưởng khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới.

THÀNH CÔNG TIẾP NỐI THÀNH CÔNG

Hơn 100 giải thưởng danh giá nhất thế giới trao cho resort hiện nay có đến hơn 100 công trình của Bill Bensley ở 34 nước. Ông hoàng resort luôn kiên định với những nguyên tắc của mình: "Tôi không làm việc với ai chỉ vì họ giàu. Tôi từng được mời đến thiết kế ở những nơi cảnh quan vô cùng đẹp, chủ đầu tư giàu hơn Sun Group rất nhiều, nhưng một khi khách hàng muốn tôi làm theo ý họ, tôi chỉ nói ‘Thôi chào nhé! Tôi về nhà đây’. Sáng tạo như thế chẳng còn gì là thú vị cả".

Khi kể đến quả ngọt mà Bill đã hái từ thiên nhiên tuyệt mỹ của Việt Nam, phải kể đến JW Marriott Emerald Bay Phú Quốc. Ông đến Phú Quốc lần đầu cách đây 5-6 năm và đã bị bờ cát trắng mịn, mặt nước xanh trong chinh phục ngay lập tức.

Nhưng ông không chỉ muốn xây dựng ở đây một khu nghỉ dưỡng bên bờ biển thông thường, mà bậc thầy về kiến trúc còn muốn thổi vào đó một câu chuyện về trường đại học hơn 100 năm tuổi.

Tọa lạc tại Bãi Khem, phía Nam đảo Phú Quốc, resort được Bill Bensley thiết kế dựa trên một trường đại học giả tưởng. Ông gọi nó là Đại học Lamarck, theo tên của nhà sinh vật học người Pháp.

Khu nghỉ dưỡng tái hiện hình ảnh những lớp học của 18 phân khoa từ tự nhiên, xã hội, kiến trúc, hóa học tới động vật học… khoa Kiến trúc giờ là một nhà hàng lộng gió ngay trên bãi biển. Những nguyên lý hóa học vẫn đang được thực hành để pha trộn ly cocktail đúng điệu tại nơi từng là khoa Hóa học, với vai trò là một bar bên biển, khoa Giáo dục thể chất giờ trở thành trung tâm thể dục và spa.

Cứ như thế, mọi người bị Bill dẫn vào một câu chuyện tưởng tượng nhưng phơi bày ngay trước mắt. Đó là những kệ sách lớn, chiếc cúp, huy hiệu của trường, thời khóa biểu, chiếc gương ố màu thời gian, bảng tên khoa… Trường đại học Lamarck giả tưởng ấy mang rất đậm triết lý thiết kế của ông. Ông tóm gọn những dự án của mình bằng hai từ: Vui và thách thức.

"Mai mun mai tum" - những bước chân sau này của Bill Bensley trên đất Việt Nam đang thăng hoa, và ông chưa có ý định dừng lại.

Ngay cả "cú vấp" đầu tiên của ông ở Nha Trang, giờ cũng đang xây dựng trở lại và sắp đi vào hoạt động. Sau Thái Lan, ông hoàng resort đã tìm thấy thiên đường thứ hai tại Đông Nam Á để chuyên chú vẽ nên những bức họa của riêng mình.

Những nét vẽ ngày một mượt hơn: các nhà thầu Việt Nam giờ không còn khiến ông tức phát điên và đập đi xây lại liên tục nữa.

Đức Hoàng